Các quan chức Mỹ phản đối thì lo sợ việc nâng cấp sẽ chỉ phục vụ lợi ích cho Trung Quốc, khi Bắc Kinh sẽ dùng Việt Nam làm bàn đạp để tuồn hàng xuất sang Mỹ dưới nhãn mác “Made in Vietnam” nhằm né tránh thuế quan trừng phạt.
Những người ủng hộ chính quyền Biden công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam thì khẳng định, Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo tiêu chí của Mỹ và việc thừa nhận này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, giúp Hà Nội – Washington gần nhau hơn.
Mâu thuẫn của Biden
Báo chí phương Tây đang mổ xẻ nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhằm đưa Việt Nam trở thành đồng minh chiến lược thông qua việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội dẫu điều này có thể xung đột với mong muốn của lãnh đạo Đảng Dân chủ Mỹ về phiếu bầu của cử tri công nhân trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới đây.
Giới quan sát cho rằng, đây sẽ là cơn đau đầu của Biden bởi ý định nâng cấp địa vị nền kinh tế Việt Nam của chính quyền Biden vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất thép, cơ sở nuôi tôm ở Bờ Vịnh và trại nuôi ong lấy mật nhưng lại được nhiều ông lớn bán lẻ và giới đầu tư kinh doanh khác ủng hộ.
Qua đó, giới chức 2 bên kỳ vọng việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam so với tình trạng hiện nay khi vẫn bị Mỹ gắn mác là nền kinh tế phi thị trường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà nước.
Tuy nhiên, theo Reuters, mối quan hệ kinh tế ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam và Trung Quốc là mấu chốt trong lập luận của cả hai bên tại phiên điều trần công khai trực tuyến do Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức hôm qua như một phần của quá trình xem xét và quyết định có công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam hay không (dự kiến vào ngày 26/7 tới đây).
Như Sputnik đã đưa tin hôm qua, nói về vấn đề này, ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam hiện đã là một nền kinh tế thị trường và xứng đáng để được công nhận.
“Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn như khả năng chuyển đổi của đồng tiền và đã sẵn sàng để được công nhận”, Ted Osius nêu rõ.
Việt Nam nên được nâng lên vị thế nền kinh tế thị trường
Đồng quan điểm, Eric Emerson, luật sư của công ty luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ), đại diện cho Bộ Công Thương Việt Nam, khẳng định:
“Việt Nam nên được nâng lên vị thế nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng được 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra để đánh giá liệu các quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không, từ khả năng chuyển đổi tiền tệ và quyền lao động đến đầu tư mở và phân bổ nguồn lực”.
Như chúng tôi đề cập, theo quy định của Hoa Kỳ, có sáu yếu tố được xem xét khi xác định liệu một quốc gia có phải là nền kinh tế có thị trường hay không.
6 yếu tố này gồm mức độ chuyển đổi của đồng tiền; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác.
“Việt Nam đã chứng minh rằng hiệu quả hoạt động của nền kinh tế đối với các yếu tố luật định của Mỹ ngang bằng thậm chí còn tốt hơn so với các quốc gia khác trước đây đã được cấp quy chế kinh tế thị trường như là Indonesia, Canada hay Philippines”, luật sư Eric Emerson nói.
Trong chuyến thăm Hà Nội của ông Biden năm ngoái, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Đích thân Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng tích cực khen ngợi, quảng bá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và là “đối tác tiềm năng” của Mỹ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc (“friend-shoring”).
Thực tế, Việt Nam ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada và Philippines – theo luật sư Emerson.
Người đứng đầu phụ trách mảng chính sách công Hoa Kỳ của ông lớn điện tử Hàn Quốc Samsung - Scott Thompson cũng khẳng định tại phiên điều trần rằng, Samsung Electronics, vốn đã trở thành một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của Việt Nam những thay đổi trong định hướng thị trường cởi mở của đất nước - ủng hộ việc công nhận nền kinh tế thị trường.
“Việt Nam đã trở thành đối tác ổn định và an toàn trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho chính nền kinh tế Mỹ”, Thompson nhấn mạnh.
Người Mỹ lo sợ sự ảnh hưởng của Trung Quốc
Diễn biến tại phiên điều trần cho thấy, yếu tố Trung Quốc chính là cản lực lớn nhất đối với việc Mỹ còn băn khoăn chần chừ chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Giới chức Mỹ lo ngại việc nâng hạng sẽ tạo ra một làn sóng nhập khẩu và Việt Nam có thể trở thành nơi để Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ.
Theo Reuters, về phía ý kiến phản đối việc nâng hạng Việt Nam - một trong 12 nền kinh tế được Washington xếp vào loại phi thị trường (gồm cả Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Azerbaijan) cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư và nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, nhiều mặt hàng trong số đó đã phải chịu thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Theo Jeffrey Gerrish, cựu quan chức thương mại của chính quyền Trump, đại diện cho Steel Dynamics Inc, khuyến nghị, việc nâng cấp sẽ gây ra làn sóng nhập khẩu không công bằng từ Việt Nam vốn đã trở thành “nền tảng” để Trung Quốc lách thuế hải quan của Mỹ.
“Thay vì chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, việc thừa nhận bỗng nhiên thành một món quà dâng cho Trung Quốc và phục vụ cho lợi ích của chính Trung Quốc”, cựu quan chức thời Trump lưu ý.
Trọng tâm quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính là tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu có nên duy trì mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến nền kinh tế phi thị trường hay không.
Thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với tôm nuôi đông lạnh của Việt Nam hiện ở mức 25,76%, trong khi thuế tương tự đối với tôm từ Thái Lan, một nền kinh tế thị trường, chỉ là 5,34%.
Rõ ràng, động thái nâng bậc Việt Nam lên “nền kinh tế thị trường” cũng sẽ góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Việt Nam dễ dàng hơn và rẻ hơn.
Ai được lợi?
Hiện đã có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nổi bật là Vương quốc Anh, Canada, Australia và Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, các bên ủng hộ đánh giá cao nỗ lực tích cực của Việt Nam nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế.
Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN nhắc lại, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của đất nước.
Nhiều ông lớn như Apple, Google, Intel đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Đây là lúc Bộ Thương mại Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vì ngày càng có nhiều mối đe dọa về môi trường, kinh tế và an ninh mà nếu Mỹ trao cho Việt Nam quy chế này, hai nước có thể cùng nhau giải quyết tốt hơn”, James Borton, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins/SAIS thẳng thắn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Murray Hiebert, Giám đốc Nghiên cứu tại Bower Group Asia ở Washington, ủng hộ Mỹ nâng bậc Việt Nam lên nền kinh tế thị trường.
“Mỹ nên trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện”, chuyên gia đúc kết.