Việt Nam đang nỗ lực hết sức quản lý đội tàu cá, giảm tối đa tình trạng tàu cá khai thác trái phép, vi phạm ở vùng biển nước ngoài và truy xuất nguồn gốc…để khẩn trương gỡ thẻ vàng IUU và trở lại thị trường quan trọng của thuỷ hải sản Việt Nam ở châu Âu.
Nếu Việt Nam thực hiện tốt các khuyến cáo, thẻ vàng sẽ bị xóa
Như Sputnik thông tin, ngành thuỷ sản Việt Nam bị Uỷ ban châu Âu (EC) gắn thẻ vàng IUU vào tháng 10/2017 và chịu nhiều tổn thất cả về kinh tế lẫn hình ảnh uy tín.
Số liệu từ Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, kể từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6-10%/năm (tùy từng năm).
Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam là EU (chiếm từ 17-20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).
Theo ông Trình Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam lưu ý trước đó, việc bị gắn thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, gây tổn thất về mặt kinh tế - xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp.
Do đó, việc gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết vì EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và đứng trước Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dự kiến, vào cuối tháng 5 này, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để thanh tra lần thứ 5 việc tuân thủ các quy định chống khai thác thuỷ hải sản trái phép (IUU).
Nếu Việt Nam thực hiện tốt các khuyến cáo, thẻ vàng sẽ bị xóa. Ngược lại, nếu vẫn còn tình trạng vi phạm, sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị rút thẻ đỏ, bị cấm tuyệt đối xuất khẩu vào châu Âu.
Trong trường hợp này, ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất khoảng 500 triệu USD mỗi năm và quan trọng nhất là gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu quốc gia.
Nhiệm vụ cấp bách, cả hệ thống chính trị hành động
Nêu rõ tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 mới đây, Chính phủ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương ven biển tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Chính phủ yêu cầu không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước.
“Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, nhất là với các nước thuộc liên minh châu Âu và Ủy ban châu Âu, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo Thẻ vàng”, Chính phủ nêu rõ.
Đến nay, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc, tập trung, nỗ lực, phấn đấu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu.
Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến những khuyến nghị của lần thanh tra thứ 4 vào tháng 10/2023 đã đưa ra để quyết tâm sớm nhất gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Cạnh đó là thúc đẩy việc phát triển ngành thủy sản bền vững trong thời gian tới.
Tháng 4 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Nội dung chỉ thị nêu rõ, về ngắn hạn, cần gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Về dài hạn, Việt Nam định hướng phát triển thủy sản bền vững theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, các chương trình, đề án, chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như phù hợp với những quy định pháp luật quốc tế về phát triển thủy sản bền vững.
Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị này của Ban Bí thư.
Trong đó, tinh thần của chương trình hành động xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo thẻ vàng trong năm 2024.
Việt Nam sẽ giảm dần lượng thuỷ sản khai thác
Để gỡ được thẻ vàng IUU, Việt Nam cần làm tốt việc quản lý và giám sát đội tàu và truy xuất nguồn gốc.
Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung giải quyết số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép) vào khoảng 16.000 chiếc, bảo đảm được cấp phép, đăng kiểm theo đúng quy định.
Tiếp đó là xử lý vi phạm, thiết lập phần mềm để kết nối tất cả các thiết bị hành trình, qua đó quản lý và giám sát hiệu quả đội tàu, hạn chế việc ngắt kết nối VMS.
Về truy xuất nguồn gốc, các ngành chức năng, địa phương đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm, rút giấy phép kinh doanh một số cảng cá, doanh nghiệp, xét xử nghiêm minh các vụ môi giới tàu cá Việt Nam đánh bắt ở nước ngoài, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp…
Cùng với đó, thời gian tới, Việt Nam dự kiến sẽ giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, rút số tàu cá tối đa xuống khoảng 83.600 chiếc.
Theo Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ ban hành vừa qua, Việt Nam hướng đến việc giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; khai thác có chọn lọc các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
“Điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản, đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo trên biển; gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí”, Quyết định nêu.
Đối với khai thác thủy sản, Chính phủ cho biết, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc.
Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển và các thủy vực nội địa được bảo tồn và phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.