Vì sao hàng Việt Nam bị khởi kiện ngày càng nhiều?
HÀ NỘI (Sputnik) - Việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ có lợi cho cả hai bên. Không chỉ nhà sản xuất Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi khi có cơ hội tiếp cận hàng hóa chất lượng từ Việt Nam với giá cả phải chăng.
SputnikNghệ thuật bán hàng của Việt Nam quá tốt
Năm 2020 chứng kiến một kỉ lục khi có 39 vụ hàng hoá Việt Nam bị kiện phòng vệ thương mại quốc tế. Lúc đó, xuất khẩu tăng trưởng 30% cũng là lúc Việt Nam đối mặt với 6 vụ doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu điều tra thương mại.
Đến hết tháng 4/2024, hàng xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 249 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại từ 24 thị trường.
Trong các quốc gia khởi xướng điều tra hàng hóa Việt Nam, không có gì đáng ngạc nhiên khi Mỹ là quốc gia tiến hành khởi xướng nhiều nhất. Đặc biệt EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế với thép của Việt Nam, sau một thời gian dài không tiến hành các vụ việc trực tiếp nhằm vào Việt Nam.
Các mặt hàng bị điều tra đa dạng từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn. Điển hình như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, cá basa, máy xịt rửa áp lực cao đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong,...
"Bị khởi kiện" có vẻ là tiêu cực. Tuy nhiên bị khởi kiện không có nghĩa là Việt Nam vi phạm. Trao đổi với Sputnik, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá, nếu nhìn từ góc độ khác, có thể thấy
năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam đang ngày càng tốt hơn trên thị trường quốc tế.
“Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên dễ bị cáo buộc về việc bán phá giá, trợ cấp. Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam quá nhanh. Tăng càng nhanh càng dễ bị nghi ngờ. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, thương hiệu Việt chưa đủ mạnh, công nghệ chưa quá phát triển. Bởi vậy Việt Nam chỉ có thể cạnh tranh về giá. Hơn nữa, nghệ thuật bán hàng của các doanh nghiệp quá tốt. Mặt khác, nhiều nước đang cho thấy vấn đề lạm phát, tất yếu họ cần hàng giá rẻ”, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng chỉ ra.
Chuyên gia cũng phân tích thêm, ngoài việc tận dụng tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng quy mô sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực.
Cụ thể, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Từ đó, thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Đặc biệt,
các doanh nghiệp đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Do đó, vô hình chung hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua được các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại. Trở thành một trong số ít các công cụ còn lại mà nước nhập khẩu có thể sử dụng với mục đích hạn chế nhập khẩu.
Đôi bên sẽ cùng có lợi
Thực tế, tất cả các thông tin thị trường của Việt Nam đều được công bố minh bạch. Ngoài Mỹ, Việt Nam cũng xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Hiện có 72 nước công nhận
quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Tuy nhiên, Mỹ - một quốc gia đang khởi xướng nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam lại chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cùng với Việt Nam, Mỹ vẫn coi Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác là những nền kinh tế phi thị trường. Do đó 12 nước này là đối tượng của thuế chống bán phá giá ở mức cao.
Theo đó, hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Tức là, khi xác định giá trị thông thường để tính biên độ phá giá, Mỹ sẽ sử dụng giá trị của một quốc gia thứ ba được coi là có nền kinh tế thị trường (quốc gia thay thế) để tính toán chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam, thay vì sử dụng dữ liệu do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này dẫn đến việc biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh đúng thực tế sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch trên 34 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Về phía nhập khẩu, Mỹ cũng nằm trong nhóm thị trường hàng đầu, với 4,5 tỷ USD tính tới hết tháng 4.
“Tôi cho rằng, Mỹ cần nhận thức sớm hơn về sự tiến bộ đáng kể của Việt Nam. Đặc biệt là sau khi hai bên đã nâng cấp mối quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều này rất quan trọng và là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tôi tin rằng, việc Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xuất khẩu mà không gặp phải các rủi ro như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các biện pháp phòng vệ thương mại khác. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và dự kiến kim ngạch xuất khẩu có thể tăng gấp đôi trong 2 - 3 năm tới”, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ có lợi cho cả hai bên. Không chỉ nhà sản xuất Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi khi có cơ hội tiếp cận hàng hóa chất lượng từ Việt Nam với giá cả phải chăng. Những ngành hàng mà Mỹ không có lợi thế cạnh tranh sẽ được thay thế bằng hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Nếu kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng lên, thì vị thế của Việt Nam cũng sẽ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, Mỹ có thể tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế của mình. Từ đó, thúc đẩy quá trình cải tiến cơ cấu kinh tế.