Theo Công an tỉnh Đồng Nai, các đối tượng lừa đảo đã chuyển tiền qua tài khoản nhiều ngân hàng nước ngoài.
Tội phạm lĩnh vực ngân hàng ngày càng phức tạp
Chiều 15/5 diễn ra hội thảo nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng trên địa bàn do Công an tỉnh Đồng Nai tổ chức.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 42 ngân hàng thương mại đang hoạt động với 61 chi nhánh và 233 phòng giao dịch trực thuộc và 22 chi nhánh cấp 2.
Tỉnh có 34 Quỹ tín dụng nhân dân; 5 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên hỗ trợ vốn cho người nghèo và tự tạo việc làm (CEP).
Đại diện một số phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai và các chi nhánh ngân hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã trình bày các tham luận về thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng.
Phát biểu tại đây, Thượng tá Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho hay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn cho thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động ngân hàng diễn ra rất phức tạp, kể cả về số vụ và mức độ thiệt hại.
Đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, bao gồm người Việt Nam và người nước ngoài hoạt động trong nước và xuyên quốc gia với công nghệ cao.
Báo Nhân dân dẫn lời Thượng tá Toàn thông tin, hiện đã xuất hiện một số loại tội phạm mới, tinh vi, manh động hơn, một số vụ sử dụng vũ khí nóng để thực hiện hành vi phạm tội. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 3 vụ cướp ngân hàng.
Ngoài ra, tội phạm lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng để lừa đảo ngày càng gia tăng. Với xu thế phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc các giao dịch kinh tế, thanh toán quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với đó là những nguy cơ lỗ hổng, tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
170 tỷ của Chủ tịch Nhơn Trạch chuyển qua nhiều tài khoản nước ngoài
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, người phạm tội thường che dấu hành vi phạm tội, tiêu hủy chứng cứ, dùng nhiều thủ đoạn tiêu hủy chứng cứ, đối phó với cơ quan quản lý, công an, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy vết.
Đặc biệt, tài sản thiệt hại liên quan đến các vụ án lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều.
Trong đó, điển hình là vụ lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 170 tỷ đồng ở huyện Nhơn Trạch, các đối tượng phạm tội hoạt động có tổ chức, hoạt động ở nước ngoài.
“Tiền chiếm đoạt được chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra”, báo Nhân dân dẫn lời Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết.
Trước thực trạng này, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành địa phương triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị Công an các địa phương, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh thường xuyên phối hợp các ngân hàng thực hiện công tác tuyên truyền về phương thức hoạt động của tội phạm, kỹ năng nhận biết, phát hiện, phòng ngừa và nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Đối với các ngân hàng nâng cao ý thức cảnh giác, quan tâm, đồng hành cùng lực lượng Công an bảo đảm an ninh trật tự.
Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong quá trình hoạt động...
Vì sao Chủ tịch Nhơn Trạch bị lừa?
Trước đó, như đã thông tin, bà Nguyễn Thị Giang Hương (SN 1973) hiện giữ chức Phó Bí thư huyện ủy Nhơn Trạch, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhiệm kỳ 2021-2025, đã báo cáo bị lừa đảo mất một khoản tiền lớn (hơn 170 tỷ đồng).
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, nhóm lừa đảo dùng công nghệ cao và xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật nói Chủ tịch huyện Nhơn Trạch đang dính dáng đến pháp luật.
Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu bà Chủ tịch huyện Nhơn Trạch mở tài khoản để chuyển tiền rồi xâm nhập vào tài khoản để lấy tiền của bà. Hiện, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp Bộ Công an khẩn trương điều tra vụ việc.
Đầu tháng 4, bà Giang Hương đã xin nghỉ phép năm. Đồng thời, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu tỉnh cung cấp hồ sơ liên quan đến cá nhân, đảng viên Nguyễn Thị Giang Hương thuộc diện cán bộ do Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai quản lý.