Hà Nội đầu tư 190 tỷ cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND thành phố

HÀ NỘI (Sputnik) - Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội vừa thông qua danh mục một số dự án sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND thành phố.
Sputnik
Dự án này bao gồm cải tạo các tòa nhà hiện hữu tại số 10-12 Lê Lai và số 79 Đinh Tiên Hoàng, xây mới nhà để xe kết hợp khu lưu trữ, tạo không gian xanh và khu sinh hoạt chung. Ngoài ra, thành phố cũng dự kiến lắp đặt các hạng mục trang trí như phù điêu, tiểu cảnh, biểu tượng, sân vườn,... Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 190 tỷ đồng.
Ban Đô thị HĐND TP đề nghị làm rõ các hạng mục có khả năng trùng lặp với những công trình đã được đầu tư trước đây để tránh lãng phí. Đồng thời, cần xem xét ảnh hưởng của dự án lên các công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 trong khu vực.
Giải trình các nội dung trên, UBND TP Hà Nội cho biết trước đây, trụ sở Sở Ngoại vụ được cải tạo, sửa chữa vào năm 2017 với tổng mức đầu tư là 2,984 tỷ đồng, từ nguồn chi thường xuyên ngân sách thành phố.
Takashimaya rót 2 tỷ yên xây trung tâm thương mại ở Hà Nội
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố đang được giao làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP, cũng như cải tạo sửa chữa hội trường tầng 3 trụ sở HĐND và UBND TP tại số 17 Trần Nguyên Hãn và 79 Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm).
Trong khi đó, dự án cải tạo, nâng cấp trụ sở UBND TP thực hiện tại các khu đất số 10-12 phố Lê Lai, số 79 phố Đinh Tiên Hoàng chỉ bao gồm khuôn viên và phần diện tích làm việc của Văn phòng UBND TP và Sở Ngoại vụ, nên không chồng lấn về quy mô đầu tư với dự án vừa thực hiện.
Giai đoạn tới sẽ rà soát kỹ, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí.
Về vấn đề ảnh hưởng đến công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954, UBND TP đang rà soát, xem xét đề xuất bổ sung quần thể trụ sở UBND TP và Sở Ngoại vụ tại số 8-10-12 phố Lê Lai vào danh mục công trình kiến trúc cần bảo tồn. Phương án thiết kế sẽ đảm bảo không làm ảnh hưởng đến kiến trúc bên ngoài các công trình hiện hữu.
Thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Hà Nội sắp có thêm 5 quận
"Việc cải tạo, sửa chữa các công trình có giá trị xây dựng trước năm 1954 trong khu vực nhằm phát huy giá trị công trình, đảm bảo chất lượng, an toàn và yêu cầu sử dụng là phù hợp với định hướng trong công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị", theo báo cáo giải trình của UBND TP Hà Nội.
Trụ sở UBND TP Hà Nội được xây dựng giai đoạn 1985-1987 với diện tích xây dựng trên 5.500 m2, tổng diện tích sàn hơn 16.000 m2. Tại một số cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu vực Hồ Gươm, chuyên gia cho rằng kiến trúc tòa nhà 7 tầng trụ sở UBND thành phố không phù hợp, làm xấu cảnh quanh khu Hồ Gươm.
Thành phố cho biết trụ sở UBND có nhiều vị trí bị bong tróc, thấm dột, nứt vỡ. Việc đầu tư cải tạo là cần thiết để đảm bảo điều kiện làm việc, làm đẹp cảnh quan khu vực Hồ Gươm. Quá trình nâng cấp cũng không làm thay đổi chức năng sử dụng đất và mật độ xây dựng hiện có của khu đất.
Thảo luận