Quầng mặt trời không phải điềm báo hay chuyện tâm linh

Trưa nay, nhiều người dân nhận thấy “hiện tượng lạ” về mặt trời tại một số tỉnh phía bắc. Hình ảnh quầng mặt trời được đăng tải trên mạng thu hút nhiều người dùng internet.
Sputnik
Chuyên gia cho biết, hiện tượng xuất hiện trên bầu trời một số tỉnh miền Bắc là hiện tượng tự nhiên bình thường. Người dân không nên gán ghép hiện tượng này với những quan điểm không đúng.

Quầng mặt trời “lạ”

Ngày 21/5, tại một số tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh... ghi nhận hiện tượng lạ về mặt trời.
Rõ nhất là vào trưa nay, hình ảnh mặt trời được bao bọc bởi quầng hào quang đã thu hút nhiều sự chú ý của người dân.
Lý giải về hiện tượng này, VOV dẫn lời ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia lý giải, đây là quầng mặt trời (Halo). Hiện tượng này xảy ra khi mặt trời bị che chắn bởi đám mây. Loại mây này được cấu tạo từ các tinh thể đá mỏng, thường tồn tại ở độ cao trên 6000m.
Một trong những cơn bão từ mạnh nhất trong 5 năm xảy ra trên Mặt trời
“Chúng ta nhìn thấy trời xanh bị che hơi mờ vì mây mỏng. Ánh sáng mặt trời chiếu qua lớp tinh thể đá bị khúc xạ tạo ra một vầng hào quang mà dân gian hay gọi là quầng. Hiện tượng quầng thường quan sát vào buổi trưa những ngày nắng nóng. Nó không thường xuyên nhưng không hiếm gặp. Không có quy luật nhất định của hiện tượng này với các thiên tai”, - chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông Hưởng, quầng hào quang là những vòng ánh sáng bao quanh mặt trời hoặc mặt trăng. Hiện tượng này xuất hiện khi có một lớp mây ti mỏng trên bầu trời. Sự kết hợp giữa hóa học, vật lý và hình học cùng nhau tạo ra quầng mặt trời.
Theo đó, bầu khí quyển chứa trong đó nhiều loại khí, bao gồm khí oxy, nitơ và hơi nước. Ở độ cao đủ lớn, hơi nước cô đặc rồi đông cứng thành tinh thể băng. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua tinh thể băng, dạng hình học của tinh thể làm cho ánh sáng bị khúc xạ, tương tự như khi ánh sáng chiếu qua một lăng kính.

Không nên gán ghép hiện tượng tự nhiên với quan điểm không đúng

Thông thường, quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo sắp mưa.
Do quầng hào quang cần có tinh thể băng để xuất hiện, tinh thể băng thường nằm trong những đám mây li ti ở độ cao lớn. Những đám mây này có thể kéo đến nhiều ngày trước khi có khối khí nóng hoặc lạnh mang mưa đến.
Dù vậy, không phải mọi đám mây ti đều đi kèm theo bão. Một số quầng hào quang chỉ đơn giản là tín hiệu cho thấy, lượng nước ở thượng quyển có sự gia tăng. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra cả với mặt trăng.
Cư dân Moskva được chứng kiến vầng hào quang mặt trời
"Đây là hiện tượng tự nhiên bình thường. Hiện tượng này thường hay xảy ra và có nhiều tên gọi khác nhau như: quầng mặt trời, quang mặt trời, halo sun, tán mặt trời... Người dân không nên lo lắng hay gán ghép hiện tượng này với các quan điểm không đúng", - chuyên gia lưu ý.
Trước đó, chiều 12/5, một đám mây hình cầu vồng nhiều màu cũng xuất hiện trên bầu trời phía tây TP.HCM. Đám mây này duy trì trong vòng 1 giờ rồi tan biến khi mặt trời lặn.
Theo chuyên gia khí tượng, đó là hiện tượng mây ngũ sắc, trong khí tượng xếp vào loại hào quang. Hiện tượng này xảy ra do sự nhiễu xạ khiến các hạt mây hoặc những tinh thể băng kích thước nhỏ, cấu trúc riêng lẻ tán xạ ánh sáng. Các tinh thể băng lớn hơn không tạo ra ngũ sắc nhưng có thể gây ra hào quang.
Thảo luận