Trong chỉ thị, Thủ tướng nhận định hiện vẫn còn tồn tại nhiều quy định, thủ tục hành chính chồng chéo, phức tạp, mâu thuẫn, qua quá nhiều khâu trung gian. Trong khi đó, công tác cắt giảm rút gọn thủ tục vẫn chưa đạt yêu cầu tại một số cơ quan, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thủ tướng nhấn mạnh chỉ duy trì các thủ tục thực sự cần thiết, chi phí thấp nhất, phải tạo thuận lợi và không phụ thuộc địa giới hành chính cho việc tiếp cận và thực hiện của người dân, doanh nghiệp.
Cụ thể, về cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực được giao.
Trong đó nhất là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản… và các giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024 gửi Văn phòng Chính phủ chậm nhất trong tháng 5/2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung triển khai phát triển định danh điện tử, dữ liệu dân cư, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia.
Các bộ ngành phải bảo đảm điều kiện cần thiết để chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 1/7 theo Nghị định 59/2022.
Tính đến cuối năm 2022, sau hơn 2 năm, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản. Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm hơn 1.100 quy định liên quan kinh doanh. Hơn 4.400 dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến.
Theo khảo sát, để thực hiện thủ tục đất đai, trung bình mỗi doanh nghiệp phải mất 32,2 giờ và chi phí 3,8 triệu đồng. Thủ tướng từng bày tỏ băn khoăn về thủ tục đất đai quá rườm rà, tốn kém thời gian, chi phí và cơ hội cho dân, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều nhận xét quy trình phê duyệt, thủ tục hành chính hiện vẫn chậm, cản trở tiến độ dự án, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của Việt Nam.