Cuộc chiến chống tham nhũng, chống suy thoái và diễn biến hòa bình vẫn sẽ tiếp diễn

“Ông Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước. Và cho dù ông không giữ chức Bộ trưởng Bộ Công An nữa thì điều đó không có nghĩa là cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái và diễn biến hòa bình sẽ yếu đi, nó vẫn sẽ còn được xúc tiến và đẩy mạnh hơn nữa”.
Sputnik
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Việt Nam khóa XV đã khai mạc sáng ngày 20/5. Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công An được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Chiều 21/5, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Bùi Văn Cường trình bày tờ trình đề nghị điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15. Theo đó, Quốc hội sẽ phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an đối với đại tướng Tô Lâm, thực hiện quy trình bầu ông vào vị trí Chủ tịch nước.
Sẽ miễn nhiệm chức Bộ trưởng Công an để bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước

Ông Tô Lâm là một nhân vật như thế nào?

Đại tướng Tô Lâm sinh năm 1957 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên. Cụ thân sinh đại tướng Tô Lâm là Đại tá CAND Tô Quyền, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Dòng họ Tô ở Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên là dòng họ có truyền thống cách mạng nổi tiếng với nhiều chiến sĩ cách mạng có tên tuổi như Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Gĩ …; các nhà văn hóa lớn như Tô Ngọc Vân (họa sĩ), Tô Ngọc Thanh (Giáo sư-Tiến sĩ Văn hóa học), Tô Thị Tường Vân (Tiến sĩ).v.v…”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long chia sẻ thông tin với Sputnik.
Trưởng thành từ một học viên khóa 6 Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh Nhân dân), trải qua 50 năm công tác trong Công an Nhân dân Việt Nam, đại tướng Tô Lâm đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong lực lượng An ninh nhân dân. Năm 2016, khi Đại tướng Trần Đại Quang được Quốc hội khóa XIII bầu làm Chủ tịch nước, ông được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an và giữ chức vụ đó đến nay.
“Trên cương vị Bộ trưởng của một trong hai lực lượng vũ trang trọng yếu của Việt Nam, ông chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội; công tác tình báo và phản gián; công tác điều tra phòng chống tội phạm; công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; công tác thi hành án hình sự, tạm giữ, tạm giam; công tác bảo vệ, hỗ trợ tư pháp; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực an ninh trật tự và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an theo pháp luật quy định”, - Đại tá công an Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An, nói với Sputnik.
Năm 2019, ông Tô Lâm được thăng quân hàm Đại tướng, quân hàm cao nhất của Công an Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Tô Lâm được phân công làm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng an ninh do Chủ tịch nước đứng đầu, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo; Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên…

“Ông từng tham gia và chỉ huy nhiều chuyên án chống phản động lớn như chống bạo loạn tại Kim Bảng, Hà Nam (1992), chống bạo loạn tại Thái Bình (1997), chống bạo loạn có vũ trang tại Tây Nguyên (2001 và 2004), chống bạo loạn tại Mường Nhé, Điện Biên (2011), chống bạo loạn tại Bình Dương và Đồng Nai (2014).v.v… Trong 8 năm qua, lực lượng Công an dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tô Lâm đã phát hiện và bóc gỡ hàng chục đầu mối của các tổ chức khủng bố Việt Tân, Chính phủ lâm thời Việt Nam cộng hòa, Triều đại Việt.v.v… từ Mỹ và các nước phương Tây xâm nhập về Việt Nam để chống Nhà nước Việt Nam và phá hoại an ninh quốc gia. Lực lượng Công an Nhân dân cũng bóc gỡ hàng trăm tổ chức nhen nhóm phản động, kiên quyết khống chế và bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu và tích cực chống phá để đưa ra xử lý trước pháp luật. Nhờ đó mà an ninh chính trị, an ninh xã hội ở Việt Nam giữ được vị thế ổn định, phòng ngừa từ xa, vô hiệu hóa từ sớm các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước”, - Đại tá công an Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

Chiều nay bắt đầu quy trình bầu Chủ tịch nước
Đại tá Nguyễn Minh Tâm cũng nhấn mạnh là ông Tô Lâm luôn giữ lối sống giản dị và tiết kiệm.

Những chiến công của ông Tô Lâm trên mặt trận chống tham nhũng và đảm bảo trật tự xã hội

Trên mặt trận phòng chống tham nhũng, và diễn biến hòa bình, đại tướng Tô Lâm đã chỉ đạo điều tra, làm rõ một loạt các vụ án có liên quan đến nhiều các bộ từ trung cấp đến cao cấp như vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan trực tiếp đến Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng; vụ án xảy ra tại tập đoàn truyền thông Mobiphone lên quan đến các bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn; vụ án xảy ra tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội liên quan đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung; vụ án “Chuyến bay giải cứu” và vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á có liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao, lãnh đạo nhiều địa phương và một số tướng lĩnh; vụ án buôn lậu và làm giả hơn 200 triệu lít xăng dầu và trốn thuế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, (hiện đã xử lý xong giai đoạn 1 và bắt đầu xử giai đoạn 2); vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các chi nhánh đăng kiểm nhiều tỉnh, thành phố; các vụ đại án Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC, AIC.v.v…

“Trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội, dấu ấn lớn nhất của lực lượng Công an Nhân dân là đã cơ bản xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (VNeID). Việc hình thành và đưa vào hoạt động của hệ thống này không những chỉ giúp chính phủ và các cơ quan Nhà nước cải cách mạnh mẽ về hành chính, tiến một bước quan trọng đến việc hình thành “Chính phủ điện tử” mà còn giúp người dân nhiều tiện ích từ dịch vụ công cho đến các hoạt động giao dịch trong đời sống hàng ngày".

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước
"Đó là những chiến công chung của toàn lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam với sự giúp đỡ của nhiều bộ, ngành và nhân dân. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận công lao rất lớn của đại tướng Tô Lâm trong 8 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực Trung ương và tham gia lãnh đạo nhiều ủy ban chuyên môn khác của Đảng và Nhà nước”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long đưa ra đánh giá trong cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
“Đại tướng Tô Lâm là người đầu tiên trong số các bộ trưởng của nhiệm kỳ Quốc hội XIV đặt vấn đề cải tổ bộ máy của lực lượng Công an Nhân dân. Trong cuộc cải cách này, 6 cơ quan cấp Tổng cục bị giải thể, 2 bộ Tư lệnh (Cảnh vệ và Cảnh sát cơ động) được tăng cường; khoảng 60 vụ, cục được sắp xếp lại… Nhờ bộ máy được cơ cấu lại theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu quả công tác trong toàn lực lượng được cải thiện đáng kể mà không cần phải tăng thêm biên chế, giúp tiết kiệm cho ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh, trả lời phỏng vấn của Sputnik.
Vì sao 100% ủng hộ ông Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm cũng lưu ý: Về công tác đối ngoại, đại tướng Tô Lâm là người thực hiện rất tốt chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam có quan hệ hợp tác rộng rãi với lực lượng an ninh, cảnh sát của hàng trăm nước trên thế giới, trong đó có các cường quốc như Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Mỹ, Iran, các nước EU.v.v… Tại khu vực Đông Nam Á, Công an Nhân dân Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phòng chống khủng bố, chia sẻ thông tin tội phạm, phối hợp có hiệu quả trong nhiều chuyên án, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực. Ông cũng là người đề xuất mở rộng khái niệm an ninh đến các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh sức khỏe, an ninh mạng… bên cạnh các lĩnh vực an ninh truyền thống như an ninh chính trị, an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh xã hội…

“Ông Tô Lâm là cánh tay phải của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc “đốt lò” những năm vừa qua. Lúc đầu Quốc hội thông báo rằng kỳ họp này sẽ không xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công An của ông, nhưng việc bổ sung việc này vào chương trình lần này vào chiều ngày 21/5, theo đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, này thật là bất ngờ. Cho dù ông Tô Lâm không giữ chức Bộ trưởng Bộ Công An nữa thì điều đó không có nghĩa là cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái và diễn biến hòa bình sẽ yếu đi, nó vẫn sẽ còn được xúc tiến và đẩy mạnh hơn nữa”, - TS Hoàng Giang bình luận với Sputnik.

Ông Tô Lâm nhìn về hướng nào, Nga hay Mỹ, hay Trung Quốc?

Một số chuyên gia nước ngoài đặt câu hỏi: Ông Tô Lâm nhìn về hướng nào, Nga hay Mỹ, hay Trung Quốc?
Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn đều nhấn mạnh rằng: Ai đặt câu hỏi như vậy thì không hiểu lắm về cấu trúc và hoạt động của hệ thống chính trị ở Việt Nam.
Trước hết, cần nhắc lại nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, tự chủ của nhau, thực hiện chính sách hòa bình, lấy đối thoại thay cho đối đầu, lấy hợp tác thay cho mâu thuẫn, lấy hòa bình để đẩy lùi xung đột. lấy hữu nghị thật lòng thay cho ngờ vực…
“Trên cơ sở nguyên tắc chính sách đó, không có chuyện Việt Nam hướng về phía nào, dù đó là các cường quốc như Nga, Mỹ, Trung. Nói một cách thẳng thắn thì Việt Nam hướng vào chính mình, lấy lợi ích của quốc gia-dân tộc mình làm trọng nhưng xử lý hài hòa mối tương quan giữa lợi ích của mình với lợi ích của các đối tác. Việt Nam luôn dựa vào sức mình là chính và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của tất cả các nước, bất kể các nước đó quan hệ với nhau như thế nào, thù địch hay hợp tác”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Ông cũng nói thêm rằng về cơ chế thực thi quyền lực thì mặc dù đường lối, chủ trương của đất nước, trong đó có chủ trương, đường lối đối ngoại, do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xuất mà hạt nhân là tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương nhưng quyền quyết định tối cao thuộc về Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam. Vì thế, không thể có chuyện một cá nhân hướng sang phía này hay phía kia mà quyết định thay cho Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cho dù người đó là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ.
“Chủ trương đường lối đối ngoại của Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi. Tất nhiên là trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Nhưng sự điều chỉnh ấy phải dựa trên những đánh giá chính xác, những dự báo có tính khoa học và sự điều chỉnh đó phải khả thi và đem lại hiệu quả lợi ích cho quốc gia-dân tộc”, - Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long nói với Sputnik.
Sáng nay Quốc hội khai mạc, tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

“Những điểm mới có thể có mỗi khi có một lãnh đạo mới ở Việt Nam chỉ có thể là những sáng kiến, những cải tiến để chủ trương đường lối đối ngoại của Việt Nam được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn, hài hòa hơn, bảo đảm hòa bình và ổn định chứ không phải là sự thay đổi có tính nguyên tắc. và những nguyên tắc này đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) mang tầm chiến lược lâu dài không dưới 20 năm”, - Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An, bình luận với Sputnik.

Thảo luận