Trong khi đó, việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần được “cân nhắc thận trọng” để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam.
Khó khăn trong xử lý các ngân hàng yếu kém
Báo cáo thông tin về kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm ngoái, NHNN triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) và 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt là SCB và Ngân hàng Đông Á (DongABank) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 3 ngân hàng mua bắt buộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
© TTXVN - An Văn Đăng
Hiện, NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng.
Bên cạnh 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Đông Á và SCB, NHNN cũng giám sát tăng cường theo quy định đối với Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB).
Tuy nhiên, hiện, còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Theo thống đốc, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài, khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Thạch Phước Bình phát biểu.
© TTXVN - An Văn Đăng
Năng lực một số cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai Luật Các TCTD năm 2024.
Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.
Hiện các ngân hàng TMCP đang tích cực hoàn thiện, triển khai thực hiện theo phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu.
© TTXVN - An Văn Đăng
Theo đó, về cơ bản, các ngân hàng TMCP đều đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh năng lực cạnh tranh.
Tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn lành mạnh tài chính.
Nỗ lực, tích cực xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phát triển dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.
Đối với các TCTD nước ngoài cũng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã thông tin về tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài trước mắt đạt kết quả tích cực.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN
© TTXVN - An Văn Đăng
Cụ thể, việc chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã hoàn thành.
“Hiện đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm nay”, Phó Thủ tướng nêu.
Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.
Về Nghị định 24
Nêu tại báo cáo việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV năm 2022 vừa được gửi tới đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hoàn thành báo cáo tổng kết Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) trình Thủ tướng Chính phủ.
Để phục vụ việc tổng kết Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách.
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp.
© TXVN - Nguyễn Văn Điệp
Từ tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp lấy ý kiến về chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, bao gồm Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng.
“Các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá những thành công của Nghị định 24 và thống nhất việc sửa đổi Nghị định 24 là vấn đề cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và hạn chế tác động tới thị trường tiền tệ, ngoại hối”, báo Thanh Niên dẫn lời Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã lấy ý kiến bằng văn bản về dự thảo tổng kết, đánh giá Nghị định 24, bổ sung kinh nghiệm quốc tế.
Từ cuối năm 2022, NHNN đã lấy ý kiến của 63 NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về đánh giá, tổng kết Nghị định 24.
Tháng 2/2023, NHNN gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung kinh nghiệm quốc tế tại dự thảo báo cáo tổng kết.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu.
© TTXVN - An Văn Đăng
Nhà điều hành cũng đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vàng.
Cuối tháng 9/2023, NHNN tổ chức buổi tọa đàm "Chính sách quản lý thị trường vàng", có sự tham gia của đại diện Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và một số chuyên gia kinh tế - tài chính, đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực vàng.
Ngày 28/3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xin ý kiến của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia.
“Các thành viên đều thống nhất rằng sau 12 năm triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, các mục tiêu đề ra đều đã đạt được và thống nhất cao với các đề xuất của NHNN về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới”, Thống đốc nói.
Đề nghị bỏ độc quyền vàng miếng
Nghị định 24 năm 2012 quy định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Với vàng trang sức, mỹ nghệ, NHNN cấp phép sản xuất.
Từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, giá vàng trong nước liên tục biến động, tăng cao kỷ lục và đặc biệt là chênh lệch với giá thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng. Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, việc quản lý thị trường vàng thời gian qua còn nhiều bất cập.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thành viên Chính phủ dự phiên họp.
© TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV hôm qua 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị đã đến lúc sửa đổi Nghị định 24, xóa bỏ độc quyền nhà nước về vàng miếng.
ĐBQH đoàn Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cho rằng, đến thời điểm này nên chăng NHNN không còn độc quyền sản xuất vàng miếng nữa. Nên mở rộng cho doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất vàng miếng dưới sự quản lý của NHNN.
“Có những doanh nghiệp đủ khả năng để nhập và sản xuất vàng miếng nhưng chúng ta lại không cho”, ông Hoà nêu vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần.
“Tới đây dự kiến Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan quản lý thị trường vàng”, ông cho biết.