Tại toà, Nghệ không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, mà cho rằng bản chất việc nhận tiền từ bà T.B.T., bà T.N.L. là giao dịch dân sự và "tố" 2 người này cho vay với lãi suất cao hơn nhiều lần mức lãi suất cao nhất quy định.
Theo cáo trạng, từ năm 2019-2021, bị cáo Nghệ đã lừa dối hai bị hại là bà N.N.L và T.B.T để chiếm đoạt số tiền hơn 1.200 tỷ đồng. Cụ thể, bị cáo giả vờ kinh doanh cây xăng, quầy đổi ngoại tệ và đang làm thủ tục thành lập ngân hàng tư nhân để lừa gạt các bị hại tin tưởng đầu tư.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, bị cáo không kinh doanh xăng dầu hay có thực hiện bất kỳ thủ tục nào để thành lập ngân hàng. Số tiền hơn 1.200 tỷ đồng chiếm đoạt được từ hai bị hại đã bị bị cáo sử dụng để trả nợ, chi tiêu cá nhân và tiếp tục lừa đảo những người khác.
Đối với nội dung bà Nghệ tố bị hại cho vay nặng lãi, hội đồng xét xử cho rằng kết luận điều tra, cáo trạng đã thể hiện, không đủ cơ sở để làm rõ.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định các hành vi của bị cáo Phùng Thị Nghệ đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng đã truy tố. Hội đồng xét xử cho rằng bà Nghệ phạm tội nhiều lần, với nhiều người, không thiện chí khắc phục hậu quả. Từ đó, tuyên phạt bà Nghệ mức án như trên.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường hơn 320 tỷ đồng cho hai bị hại sau khi đã trừ đi số tiền các bị hại đã nhận lại từ bị cáo.
Ngoài vụ án trên, cơ quan điều tra cũng đang tách làm vụ án khác để xử lý giai đoạn 2 liên quan đến việc bị cáo Nghệ bị 8 người ở nhiều tỉnh thành khác tố cáo lừa đảo chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỷ đồng do hết thời hạn điều tra.