“Tháng Năm Việt Nam” tại LB Nga

Nửa cuối tháng 5 tại các vùng của Nga được đánh dấu bằng nhiều sự kiện khác nhau liên quan đến Việt Nam. Nhiều hoạt động được tổ chức nhân dip kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và nước Nga hậu Xô Viết.
Sputnik
Tất cả các sự kiện này đều cho thấy truyền thống hữu nghị giữa hai nước không hề bị gián đoạn, bất chấp mọi biến động chính trị trên thế giới.

Tuần lễ Việt Nam tại thành phố bên bờ sông Neva

Từ ngày 16 đến 22/5, thành phố St. Petersburg đã tổ chức chuỗi sự kiện truyền thống - Tuần lễ Việt Nam – với sự tham dự của phái đoàn Việt Nam do ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, và bà Trương Mỹ Hoa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2002-2007, dẫn đầu cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi và Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại LB Nga Đỗ Xuân Hoàng. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham gia Triển lãm sách trên Quảng trường Cung điện ở St. Petersburg, nơi cũng tổ chức buổi hòa nhạc với sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam. Ngày 19/5, đúng 12 giờ (theo giờ địa phương), Đại sứ Đặng Minh Khôi và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn đã thực hiện phát bắn đặc biệt từ pháo đài Peter và Paul của cố đô Saint Petersburg chào mừng 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào buổi tối ngày hôm đó, theo truyền thống của hoạt động này, một trong những cây cầu đẹp nhất của St. Petersburg - cầu Ba Ngôi - được thắp sáng bằng đèn màu đỏ và vàng tượng trưng cho màu của quốc kỳ Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi với vợ tại Nga - Ngày Việt Nam tại Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva
Trong khuôn khổ Tuần lễ Việt Nam, một hội thảo khoa học và thực tiễn đã được tổ chức, trong đó các chuyên gia thảo luận về khả năng mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa và kinh tế. Một trong những biểu hiện của sự hợp tác này là việc ký kết thỏa thuận giữa Đại học Sư phạm Nhà nước Nga mang tên A.I. Herzen và Hội Hữu nghị Việt-Nga về việc giảng dạy tiếng Việt tại trường đại học này - đây là trường đại học thứ ba giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam tại thành phố bên bờ sông Neva. Chủ đề mở rộng hợp tác đã được thảo luận tại các cuộc đàm phán với Chính phủ St. Petersburg và tại một trong những trường đại học hàng đầu của Nga - Đại học kỹ thuật quốc gia Baltic mang tên Ustinov (Voenmeh), cũng như tại cuộc gặp gỡ với những người tham gia các hiệp hội thanh niên ở St. Petersburg và tại trường Phổ thông 488 của quận Vyborsky đã mở không gian bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc sắp khai trương Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thủ đô phương Bắc của nước Nga sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ Nga-Việt.

Dự án quy mô lớn của Việt Nam tại vùng Viễn Đông của LB Nga

Các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được tổ chức ở vùng Viễn Đông của LB Nga - tại thành phố Vladivostok. Người dân của vùng này tôn vinh vị tổng thống đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Người đã đến Vladivostok lần đầu tiên cách đây 100 năm, vào tháng 11 năm 1924, sau đó đến thăm vào năm 1927 và 1934. Vào ngày 21/5, tập đoàn nông nghiệp Việt Nam TH Group đã khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với 10 nghìn con bò sữa tại làng Nikolo-Mikhailovka, quận Yakovlevsky, lãnh thổ Primorsky. Sau đó dự kiến ​​xây dựng nhà máy sữa tại đây theo chuỗi sản phẩm khép kín từ đồng cỏ đến bàn ăn.
Tập đoàn TH của Việt Nam tiến về vùng Viễn Đông với siêu dự án

Ngày Việt Nam tại Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva

Ngày 22/5, tại Matxcơva đã tổ chức lễ hội mùa xuân truyền thống của người Việt Nam tại Nga - Ngày Việt Nam tại Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO). Đây là lần thứ chín trường đại học ngoại giao hàng đầu của Nga quy tụ các nhà khoa học và học viên, nhà ngoại giao và doanh nhân, giáo viên và sinh viên để thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam và giới thiệu những kiến ​​thức về đất nước tuyệt vời này. Như thường lệ, chương trình Ngày Việt Nam do cộng đồng người Việt Nam và Trung tâm ASEAN MGIMO tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga là rất phong phú và đa dạng.
Tại sảnh chính của tòa nhà mới hiện đại của ngôi trường đã khai mạc triển lãm ảnh “Hội nghị Geneva năm 1954 và ý nghĩa của nó đối với Việt Nam hiện đại” giới thiệu những tư liệu ảnh độc đáo về thời đại đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Hoạt động đầu tiên trong chương trình phong phú của Ngày Việt Nam là bài giảng bằng tiếng Anh của Phó Chủ tịch Hội đồng Đại học khoa học xã hội và nhân văn trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội ông Bùi Thanh Nam dành cho sinh viên, giảng viên MGIMO và các trường đại học nghiên cứu phương Đông cũng như các nhà khoa học nghiên cứu về Đông Nam Á. Ông nói chi tiết về lịch sử quan hệ của Việt Nam với ASEAN, từ nỗi lo ngại và sự từ chối đến sự tham gia tích cực và lãnh đạo thành công.
Hội nghị tại Nga - Ngày Việt Nam tại Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva
Sự kiện khoa học chính của Ngày Việt Nam là hội thảo “Việt Nam trong thế giới đa cực: cách tiếp cận, thách thức và triển vọng” trùng với dịp kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Hầu hết các báo cáo, bắt đầu từ báo cáo của ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đều đề cập đến chính sách đối ngoại của Việt Nam, “ngoại giao cây tre”, quan hệ với các đối tác quốc tế lớn cũng như các vấn đề trong quan hệ Nga-Việt. Phiên đầu tiên của hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Việt Nam và Nga, đại diện của MGIMO, ICSA RAS, Đại học quốc gia St. Petersburg, Đại học RUDN, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Học viện Ngoại giao Việt Nam, cũng như đại diện các tổ chức xã hội và giới doanh nghiệp của hai nước. Phiên thứ hai dành cho các báo cáo của sinh viên nổi bật bởi cách trình bày thú vị và đa dạng về chủ đề: từ lịch sử, chính trị quốc tế đến những thành tựu của “nền kinh tế xanh” và hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt.
Tiếp nối hội thảo khoa học là cuộc thi đố vui do các bạn sinh viên Việt Nam tại MGIMO chuẩn bị dành cho sinh viên ngành Đông phương học tại các trường đại học Matxcơva, trong đó họ phải giới thiệu kiến ​​thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam và tiếng Việt. Ngày Việt Nam kết thúc bằng buổi hòa nhạc sôi động, trong đó các sinh viên Nga và Việt Nam từ Matxcơva và St. Petersburg biểu diễn các điệu múa và bài hát truyền thống và hiện đại cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Và trước buổi hòa nhạc, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi tổ chức tiệc chiêu đãi với sự tham dự của Hiệu trưởng MGIMO Anatoly Korkunov và các đại sứ Lào, Malaysia và Myanmar.
Hiệu trưởng MGIMO A. Torkunov cùng các đại biểu tham dự hòa nhạc Ngày Việt Nam tại MGIMO

“Tôi chúc mừng MGIMO nhân lễ kỷ niệm 80 năm thành lập được tổ chức vào năm nay. Vợ tôi bà Lê Linh Lan và tôi đã tốt nghiệp trường đại học này và luôn đến đây như thể đây là nhà của mình. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai, ngôi trường xuất sắc của nhiều nhà ngoại giao Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Chúng tôi rất biết ơn MGIMO và chúc học viện này ngày càng thịnh vượng”, - ông Đặng Minh Khôi nói.

Đáp lại những lời tốt đẹp của Đại sứ Đặng Minh Khôi, Hiệu trưởng MGIMO Anatoly Torkunov ghi nhận vai trò to lớn của cộng đồng người Việt tại Matxcơva và Nga trong quá trình phát triển quan hệ Nga-Việt và cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga thường xuyên quan tâm đến học viện này, hỗ trợ và hợp tác trong nhiều dự án khác nhau.

Phần thưởng cao quý của nhà nước Việt Nam được tặng cho giáo viên Nga

Ngày hôm sau, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức trao tặng huân, huy chương Hữu nghị - phần thưởng cao quý của nhà nước Việt Nam - cho các thành viên của Hội Hữu nghị Nga - Việt, những người đã có đóng góp to lớn trong việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Thiếu tướng, Tiến sĩ Trịnh Quốc khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt-Nga, nói về công việc to lớn mà Hội đã thực hiện nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Nga và nhân dân Việt Nam: tổ chức các hội thảo khoa học về ngoại giao công chúng và các cuộc triển lãm ảnh, xuất bản sách, tổ chức cuộc thi “Tôi vẽ Việt Nam, tôi vẽ nước Nga”, các chuyến đi đến Việt Nam của các nhóm thiếu nhi Nga, dựng tượng đài và nhiều hoạt động khác.
Nga giúp Việt Nam tăng khai thác dầu khí
Ông nói: “Tình hữu nghị Nga-Việt đã trải qua nhiều thử thách, nhưng chúng tôi luôn ghi nhớ sự giúp đỡ toàn diện, vị tha to lớn của Liên Xô và Nga đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống kẻ xâm lược, trong công cuộc xây dựng đất nước thời hậu chiến và công cuộc đổi mới của Việt Nam. Và việc trao tặng huân chương, huy chương Hữu nghị cho những người bạn Nga là một trong những biểu hiện của lòng biết ơn này”.
Và Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh rằng, trên thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi - từ biến đổi khí hậu đến những thay đổi trong chính trị, nhưng tình hữu nghị Nga-Việt vẫn không thay đổi. Nhân dân Nga luôn bên cạnh nhân dân Việt Nam trong những thời điểm khó khăn và giờ đây nhân dân Việt Nam bên cạnh nhân dân Nga.
Huân chương Hữu nghị được trao tặng cho hai Phó chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt: Thượng tướng Vladimir Ruvimov, cựu chuyên gia quân sự tại Việt Nam, và bà Regina Budarina, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh của Hội hữu nghị. Huy chương Hữu nghị được tặng cho các thành viên Ban Chấp hành Trung ương của Hội: Giáo sư Dega Deopik và Phó Giáo sư Oksana Novakova của Học Viện các nước Á – Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva, Giáo sư Khoa Ngoại ngữ Cao cấp, giáo viên Elena Tyumeneva của Trường ngoại ngữ cao cấp (Bộ Ngoại giao Nga) và Phó Giáo sư Elena Zubtsova từ Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Matxcơva. Cả bốn người này đều là giáo viên.
Huy chương hữu nghị tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga
Bà Elena Tyumeneva và bà Elena Zubtsova đã dành nhiều thập kỷ để giảng dạy tiếng Việt, đào tạo các đại sứ, nhà khoa học và doanh nhân. Ông Dega Deopik, người đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình vào năm 2022, là người sáng lập Trường phái Nga nghiên cứu lịch sử cổ đại và trung cổ của Việt Nam, và bà Oksana Novakova, vừa qua đời năm ngoái, là chuyên gia hàng đầu của Nga về lịch sử hiện đại của Việt Nam, cũng như lịch sử Công giáo ở đất nước này. Tên của họ xuất hiện trên bìa hai tập sách giáo khoa nổi tiếng “Lịch sử Việt Nam” dành cho các nhà Đông phương học. Là sinh viên và đồng nghiệp của họ, PGS.TS.

Maxim Syunnenberg từ Học viện Á-Phi thuộc Đại học quốc gia Matxcơva, cho biết: “Ông Dega Deopik và bà Oksana Novakova là những nhà nghiên cứu hiếm hoi trong lĩnh vực Việt Nam học và phương Đông học, không chỉ của Nga, mà còn của thế giới, khi nắm được lịch sử của một đất nước trong suốt chiều dài hàng nghìn năm. Trong nhiều thập kỷ, họ đã đem kiến thức, hiểu biết, say mê về lịch sử của mình truyền đạt cho sinh viên Nga và Việt Nam, và đây là sự ghi nhận công lao to lớn của họ”.

Chuyện tình Nga – Việt

Chương trình 3 ngày “Tháng 5 Việt Nam” tại Matxcơva đã kết thúc bằng Ngày Việt Nam tại Đại Học Ngôn Ngữ Quốc Gia Matxcova (MGLU). Tại đây sinh viên Việt Nam được dạy ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga. Và kể từ năm 2017, MGLU bắt đầu đào tạo phiên dịch tiếng Việt.
St. Petersburg luôn đi đầu trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam
Khai mạc Ngày Việt Nam, Hiệu trưởng trường Đại học ngôn ngữ quốc gia Moskva (MGLU), bà Irina Kraeva lưu ý: “Tất cả các sinh viên Nga tại phân ban tiếng Việt đều rất yêu mến đất nước anh hùng này và rất hào hứng học tiếng Việt, họ đã đoạt giải cao tại nhiều cuộc thi khác nhau. Tôi hy vọng mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục sẽ tiếp tục phát triển và trường đại học của chúng tôi sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực này”.
Sinh viên Việt Nam của trường đại học MGLU đã giới thiệu với khách mời những điệu múa, ca khúc truyền thống và hiện đại của Việt Nam, còn sinh viên Nga trình bày bằng tiếng Việt truyện cổ tích về một đôi tình nhân yêu nhau say đắm “Mặt trăng và mặt trời” do cô Ekaterina Makarova, cựu sinh viên MGLU, dàn dựng. Khán giả rất thích thú với vở kịch, màn trình diễn và trang phục.
Quan hệ Nga - Việt đang trên đà phát triển và “Tháng 5 Việt Nam” là minh chứng rõ rệt cho điều này. Chúng ta sẽ có thêm nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo và lễ hội thú vị giúp củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Thảo luận