Hiện tại, một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này. Gần đây nhất, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã ra quy định, các giao dịch chuyển tiền trên 50.000 bath (1.400 USD) phải xác thực sinh trắc học, bắt đầu từ tháng 6/2023.
Xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản trên 10 triệu
Ngày 28/5, phát biểu tại buổi họp báo Ngày không tiền mặt 2024, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, việc ứng dụng sinh trắc học với các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Theo ông Dũng, Quyết định 2345 của NHNN nêu rõ, từ ngày 1/7, khách hàng muốn chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc trị giá trên 20 triệu đồng mỗi ngày phải xác thực sinh trắc học.
Mức 10 triệu đồng này căn cứ trên thống kê 70% các giao dịch qua ngân hàng hiện nay đều dưới 10 triệu đồng.
Để tránh kẻ gian lừa đảo, đột nhập tài khoản khách hàng và chia nhỏ lệnh dưới 10 triệu đồng để chuyển tiền đi, quy định yêu cầu chuyển tiền có trị giá lớn hơn 20 triệu đồng/ngày phải có xác thực sinh trắc học. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi khách hàng, chống lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Theo các chuyên gia, việc xác thực bằng sinh trắc học có thể hạn chế tối đa khả năng làm giả và có tính bảo mật cao nhất hiện nay.
Với giải pháp này, các cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ có thể xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng.
Điều này cũng nhằm ứng phó tình trạng ngành tài chính, ngân hàng luôn là đích nhắm hàng đầu của tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ để nhận, chuyển tiền lừa đảo, sau đó thông qua tiền điện tử (USDT, Bitcoin...) làm công cụ rửa tiền.
Nhiều nước đã áp dụng quy định này
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, đến nay Bộ Công an và ngành ngân hàng đã làm sạch 49 triệu dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia, cũng 3,5 triệu dữ liệu của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các ví điện tử.
Trong trường hợp có đối tượng xấu dùng CCCD giả hoặc không chính chủ để mở tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo thì sẽ bị phát hiện.
NHNN ghi nhận, hiện chỉ có 10% giao dịch là chuyển tiền trên 10 triệu đồng. Như vậy, mức độ ảnh hưởng của việc xác thức sinh trắc học đối với người dân là không lớn. Người chuyển tiền chỉ cần đưa khuôn mặt để hệ thống của ngân hàng nhận diện trùng khớp dữ liệu lưu trữ trong khoảng 3 - 5 giây là hoàn tất xác thực.
Hiện tại, một số nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này. Gần đây nhất là Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã ra quy định, các giao dịch chuyển tiền trên 50.000 bath (1.400 USD) phải xác thực sinh trắc học, bắt đầu từ tháng 6/2023.
Tăng cường đảm bảo an ninh ngành ngân hàng
Ông Lê Anh Dũng cho hay, thời gian qua, NHNN thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán.
Trong đó, ưu tiên mở tài khoản thanh toán, ví điện tử bằng phương tiện điện tử (eKYC) với khách hàng sử dụng căn cước công dân gắn chip. Tăng cường quản lý rủi ro, hậu kiểm 100% đối với các tài khoản, ví điện tử mở bằng eKYC…
NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống thông tin và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.
Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng làm tốt công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo, gian lận thanh toán cho toàn thể cán bộ ngân hàng và khách hàng.
Ngành ngân hàng tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID, cũng như hỗ trợ cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, thời gian qua, NAPAS đã phối hợp với Tiểu ban quản lý rủi ro - Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thành viên để phối hợp ngăn chặn các giao dịch gian lận, giả mạo.
Đặc biệt, NAPAS đang soạn thảo bộ quy trình phối hợp giữa NAPAS và các ngân hàng dựa trên nền tảng quy định pháp lý hiện nay.
Theo đó, khi một ngân hàng phát hiện giao dịch có tính chất gian lận, lừa đảo thì NAPAS có thể thông tin ngay đến các ngân hàng được nhận tiền, từ đó các ngân hàng có hành vi tương ứng.