Trước đó, ông Thành cùng với bà Hoàng Thị Thuý Lan bị Bộ Công an bắt giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ liên quan tập đoàn Phúc Sơn của Hậu ‘pháo’ - vụ án theo đánh giá của Bộ Công an là cán bộ cơ sở bị tấn công bằng "đạn bọc đường" mà không phát hiện ra nên mất sức đề kháng.
Bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc với ông Lê Duy Thành
TTXVN cho biết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 29/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Duy Thành.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 29/5/2024.
Trước đó, như Sputnik đưa tin, hôm 8/3, ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc bị khởi tố và bắt giam về tội "Nhận hối lộ" quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Việc bắt ông Thành diễn ra khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan, dựa vào căn cứ lời khai của Hậu pháo Nguyễn Văn Hậu (chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn) và các bị can.
Cùng bị bắt với ông Thành còn có bà Hoàng Thị Thúy Lan khi đó đang đương chức Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước khi “dính” vào vụ án của tập đoàn Phúc Sơn, ông Lê Duy Thành còn từng gây chú ý trong đợt lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp HĐND tỉnh 2023
Cụ thể, khi đó, ông Thành chỉ nhận được 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp, là chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trên toàn quốc nhận được hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp.
Tiêu cực, nhận hối lộ của tập đoàn Phúc Sơn
Ông Lê Duy Thành 55 tuổi, quê Vĩnh Phúc có trình độ tiến sĩ kinh tế.
Ông Thành từng giữ các chức vụ từ Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc; Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc. Từ tháng 12/2013 đến tháng 7/2020, ông Lê Duy Thành là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh rồi là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ 8/7/2020, ông Lê Duy Thành giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Từ 30/10/2020, ông Lê Duy Thành là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBDN tỉnh Vĩnh Phúc.
Hôm 18/3/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp, xem xét, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy rằng, ông Lê Duy Thành đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Ông Thành cũng vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Cựu Chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc đã “tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.”
Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Duy Thành.
Đến ngày 9/4/2024, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Duy Thành. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng với ông Lê Duy Thành, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
“Dính đạn bọc đường”
Đối với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, khiến loạt cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi “ngã ngựa”, trong đó có ông Thành, Bộ Công an đánh giá đây là vụ án này là loại tội phạm mới với thủ đoạn lợi dụng quan hệ thân thiết với người có chức vụ cao, quyền hạn lớn để gây tác động, ảnh hưởng đến cán bộ cơ sở nhằm trục lợi.
“Cán bộ cơ sở bị tấn công bằng "đạn bọc đường" mà không phát hiện, lượng đường trong máu cao gây nên hội chứng suy giảm miễn dịch, mất sức đề kháng”, theo Trung tướng Tô Ân Xô.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cũng cho hay, về vụ án Phúc Sơn, thông qua lời khai của một số bị can cho thấy Nguyễn Văn Hậu có hành vi chi phối, lũng đoạn để gây sức ép với một số bị can là lãnh đạo tỉnh, thậm chí là thường trực tỉnh ủy để trục lợi.
Để làm được việc này, Hậu đã lợi dụng các mối quan hệ thân quen của người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện. Bộ Công an coi hành vi này là rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của nhà nước và của nhân dân, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của Đảng, của chính quyền nhân dân.
Đặc biệt, trong quá trình điều tra của C03 xác định 2 bị can Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận hối lộ “nhiều tỷ đồng”. Bước đầu, các bị can đã khai nhận và nộp lại tiền nhận hối lộ.