Tuy nhiên, theo chuyên gia, điều này cũng làm dấy lên lo ngại về chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như tác động của nó đối với các tiêu chuẩn về môi trường và năng lượng của Việt Nam.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực
TTXVN dẫn nguồn Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận, trong tháng 5/2024, lượng vốn đầu tư điều chỉnh, tăng thêm đạt mức cao nhất trong các tháng đầu năm 2024; cụ thể là gấp 2,8 lần tháng 4, tăng 72% so với tháng 3, gấp 4,1 lần tháng 2 và gấp hơn 3,6 lần tháng 1/2024.
“Tổng vốn đầu tư điều chỉnh trong 5 tháng đầu năm tuy vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2023, song mức giảm đã được cải thiện dần, tăng 16,9 điểm phần trăm so với 4 tháng năm 2024. Tính chung 5 tháng, vốn đầu tư điều chỉnh chỉ giảm 8,7%, thấp hơn mức giảm 25,6% trong 4 tháng, 22,6% trong 3 tháng”, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng thông tin.
Sự tăng tốc của vốn điều chỉnh trong tháng 5/2024 đã giúp đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 5 tháng lên hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có đến 7,94 tỷ USD là của 1.227 dự án mới, tăng 50,8% về số vốn và tăng 27,5% về số dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Phần còn lại gồm 2,08 tỷ USD vốn điều chỉnh, giảm 8,7% so với cùng kỳ; và 1,05 tỷ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, giảm 68,2% so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, những con số trên là “khá tích cực”, chứng tỏ Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.
Mặc dù vậy, con số này chưa cho thấy sự “nhảy vọt”, đặc biệt là sau khi các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu… bày tỏ quan tâm tới việc đầu tư vào các dự án bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Mỹ mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 90 triệu USD, một con số rất khiêm tốn.
“Các đối tác đầu tư lớn nhất trong 5 tháng đầu năm đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á”, ông Hoàng đánh giá.
Trong đó, Singapore vẫn dẫn đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với gần 3,25 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp sau đó là Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng 5 đối tác này đã chiếm đến 73% số dự án đầu tư mới cùng 73,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Đặc biệt, dù Singapore dẫn đầu về số vốn đăng ký, nhưng Trung Quốc mới là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%). Trong khi đó, Hàn Quốc xếp thứ nhất về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,1%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 26,3%).
Làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam
Có thể thấy, thời gian qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã liên tục tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này dường như đang trở nên mạnh hơn rất nhiều từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid.
Bản thân ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cũng nhấn mạnh về xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc. Điểm tích cực là cùng với việc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, đã có nhiều tập đoàn quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện… đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Ở đây có thể nhắc tới các dự án trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới cả tỷ USD của các tập đoàn như Goertek, BYD, hay các dự án lốp xe Radian, sản xuất sợi Brotex…
Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam đến 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Ngoài ra, còn có 707 dự án mới, 179 dự án điều chỉnh vốn và 412 lượt góp vốn, mua cổ phần đã được các ông lớn Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc có 347 dự án mới, 55 lượt dự án điều chỉnh vốn và 172 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đăng ký 1,126 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
Trong Báo cáo xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023, từ năm 2019, nhà đầu tư Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD trong năm 2023.
Điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trở nên căng thẳng và tốc độ phát triển kinh tế Trung Quốc chậm lại.
Có lo ngại khi Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam?
Tuy nhiên,báo Đầu tư dẫn lời ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho hay, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như tác động của nó đối với các tiêu chuẩn về môi trường và năng lượng của Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại về nguy cơ các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa.
Dù vậy, Chính phủ Việt Nam vẫn rất khuyến khích và mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực, như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện, pin điện, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hình thành trung tâm tài chính quốc tế, tài chính xanh, đô thị thông minh, khu công nghiệp sinh thái, khu thương mại tự do...
“Đây là những ngành, lĩnh vực mà Trung Quốc có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.