Thời gian tới, theo ông Học, Lâm Đồng sẽ quan tâm đúng mức cho cán bộ tốt để họ yên tâm cống hiến.
“Lâm Đồng đang rơi tự do chứ không phải tụt nữa”
Ngày 31-5, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đã chủ trì buổi gặp mặt Phó các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương; Trưởng phòng và tương đương của các cơ quan cấp tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo Lâm Đồng, đây là lần đầu tiên tỉnh uỷ tổ chức một cuộc gặp mặt giữa giữa người đứng đầu Tỉnh ủy với các đồng chí cấp Phó như thế này.
“Các đồng chí cấp Phó các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương; Trưởng phòng và tương đương của các cơ quan cấp tỉnh có vị trí, vai trò là mắt xích quan trọng trong bộ máy của các cơ quan, đơn vị, là bộ phận tham mưu cho lãnh đạo. Đây cũng là thế hệ kế cận để đảm nhận các vị trí quan trọng cao hơn trong cơ quan, đơn vị”, ông Học nói về lý do tổ chức buổi gặp mặt.
Quyền Bí thư Tỉnh uỷ nêu rõ, bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác cán bộ của tỉnh Lâm Đồng đang có những bất cập, tồn tại từ khâu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đến bổ nhiệm.
“Chính vì vậy mà đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cơ sở đang có sự hẫng hụt. Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng đang cần rất nhiều cán bộ tốt để đưa tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thử thách hiện tại và thực hiện mục tiêu đưa Lâm Đồng phát triển”, đồng chí Nguyễn Thái Học bày tỏ.
Do đó, theo ông Học, buổi gặp mặt là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những nhìn nhận, đánh giá trong công tác cán bộ tại cơ sở, cơ quan, địa phương, đơn vị; cũng như những đề xuất, kiến nghị trong công tác bố trí, sắp xếp vị trí công tác. Từ đó giúp lãnh đạo tỉnh nhận diện rõ hơn những bất cập, tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ.
Phát biểu mở buổi gặp mặt, Quyền Bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng - Nguyễn Thái Học cho biết, tỉnh Lâm Đồng đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong công tác cán bộ, điều hành quản lý.
“Lâm Đồng đang rơi tự do chứ không phải tụt nữa”, PLO dẫn lời ông Học thẳng thắn.
Lưu ý về công tác cán bộ, Quyền Bí thư tỉnh uỷ Lâm Đồng cho rằng Tỉnh uỷ mong muốn có nhiều cán bộ tốt để xem xét, đưa vào các vị trí lãnh đạo theo tinh thần chọn người xứng đáng, chọn đúng người.
“Làm công tác cán bộ không có chuyện hoà cả làng, ai cũng như ai”, ông Học nói Lâm Đồng cần chọn đúng người, giao đúng việc và phải thấy rằng đã chọn đúng và tốt hơn.
Các vấn đề về công tác cán bộ hiện nay ở Lâm Đồng
Theo báo Pháp luật TP.HCM, dự buổi gặp mặt có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo cấp Phó các ban của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương; Trưởng phòng và tương đương của các cơ quan cấp tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, Lãnh đạo cấp phó Ban, Phó Sở ngành và tương đương là 98 người, lãnh đạo cấp Trưởng phòng và tương đương là 181 người.
Đối với hơn 200 lãnh đạo, cán bộ đang dự buổi gặp mặt này, theo ông Học, có nhiều cán bộ, lãnh đạo tốt và sẽ góp sức cho tỉnh Lâm Đồng phát triển.
Tại buổi gặp mặt, nhiều cán bộ có mặt đã tập trung phát biểu ý kiến về công tác cán bộ của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, nhiều người cho rằng công tác cán bộ và cán bộ ở địa phương “đang rất trì trệ”, gây nhiều khó khăn cho việc lãnh đạo, điều hành chung.
Tổng thể 16 ý kiến được các đại biểu đưa ra tại buổi gặp mặt đã thẳng thắn chỉ ra các vấn đề đang tồn tại trong công tác cán bộ.
Cụ thể như việc tổ chức, thực thi các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ hiện nay chưa được thực hiện nghiêm túc; chưa có cơ chế cụ thể để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đổi mới, năng động, sáng tạo; việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đảm bảo chất lượng; công tác đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức còn cả nể, dĩ hòa vi quý; mức hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của tỉnh chưa thỏa đáng, phù hợp.
Bên cạnh đó, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng người có đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn cao còn chưa được thực hiện kịp thời; vẫn còn tình trạng chạy chức chạy quyền, tiêu cực trong công tác cán bộ...
Các đại biểu cũng cho rằng, cần có cơ chế trọng dụng nhân tài, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được phát huy năng lực; đảm bảo chế độ cho cán bộ, công chức, đặc biệt là trong các ngành đặc thù như Y tế, Lâm nghiệp hiện đang gặp khó khăn về nhân lực.
Có ý kiến đề nghị, tổ chức thi tuyển để chọn nhân tài, cán bộ tốt, đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng.
“Để anh em yên tâm làm việc”
Phát biểu hôm nay, ông Nguyễn Thái Học lưu ý thêm, tỉnh còn có nhiều việc cần phải làm để giải quyết những khó khăn, thách thức đang đặt ra, trong đó phải bắt đầu từ công tác cán bộ.
“Vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải kiện toàn đội ngũ cán bộ”, ông Học nhắc lại.
Về chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, theo quyền Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thái Học, Lâm Đồng sẽ quan tâm đúng mức cho cán bộ tốt để “cán bộ yên tâm cống hiến”.
Trong đó có vấn đề nhà ở, chế độ chính sách và đặc biệt là thái độ ứng xử của lãnh đạo đối với cán bộ.
“Sự quan tâm đãi ngộ về vật chất cũng cần nhưng trên hết và cần hơn là thái độ ứng xử, quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo đối với cán bộ. Chính điều này là động lực tinh thần để anh em yên tâm làm việc”, ông Nguyễn Thái Học bày tỏ.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng khâu tổ chức thực hiện trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
“Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải nắm được cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì cái chung để khuyến khích, động viên, đề bạt, sử dụng”, lãnh đạo tỉnh uỷ giao nhiệm vụ.
Tỉnh cam kết không để cán bộ năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, sáng tạo vì cái chung bị trù dập, xử lý. Mặt khác, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, phải đánh giá đúng, thực chất, không chạy theo thành tích.
“Quyết tâm năm 2024 phải đánh giá thực chất chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ”, theo đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, hôm 23/5, tại phiên thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội cùng một số đại biểu quan tâm tới việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, khắc phục tình trạng sợ sai, ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ, hiện có nhiều địa phương đang khuyết các chức danh lãnh đạo là Chủ tịch UBND, HĐND.
Lấy ví dụ ngay địa phương của mình là tỉnh Lâm Đồng, hơn 150 ngày qua không có Chủ tịch UBND tỉnh (ông Trần Văn Hiệp đã bị bắt từ đầu năm 2024- PV).
Theo ông Tạo, không có Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì cũng không có vấn đề gì lắm vì HĐND làm việc theo chế độ tập thể, nhưng thiếu Chủ tịch, thiếu người phụ trách thì công việc ách tắc.
“Hiện chúng tôi chỉ có một phó chủ tịch phụ trách, mà phụ trách thì trong luật không có”, ông Tạo nêu nghị quyết của Đảng và Nhà nước nói về trách nhiệm người đứng đầu, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nói chức trách thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh.
Thêm nữa, trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự phải là chủ tịch, chủ thể ủy quyền tố tụng hành chính phải là chủ tịch tỉnh.
“Chúng tôi trên dưới 60 vụ án hành chính, kể cả sơ thẩm, phúc thẩm gần 100 vụ, nhưng mà vi phạm hết vì không có ai ủy quyền”, vị ĐBQH nhấn mạnh, các vấn đề thuộc chức trách của Chủ tịch tỉnh “đều bị tắc”.
Do đó, ĐBQH đoàn Lâm Đồng cho rằng, cần có tính toán để có thể giao “Quyền chủ tịch” như trong luật.
“Lâm Đồng bây giờ, Chủ tịch đã không có, Quyền chủ tịch cũng không. Trong khi, đây là địa phương có tới 1,5 triệu dân, với 42 dân tộc anh em sinh sống, ngân sách thu khá nhất trong các tỉnh miền núi”, vị ĐBQH chỉ ra khó khăn.
Ông Tạo lưu ý, khi không có Chủ tịch tỉnh, các công việc liên quan đều tắc hết, thêm nữa, từ đầu năm, các dự án đầu tư mới cũng không có.
Do đó, đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị các cơ quan thẩm quyền sớm có giải pháp, khắc phục ngay lỗ hổng pháp lý trong trường hợp không có Chủ tịch kéo dài, trong bao nhiêu ngày phải có chế định Quyền chủ tịch.