Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 29/5 phát biểu rằng, Washington cũng có thể liên hệ với các nước châu Á khác, ngoài Philippines, với yêu cầu cung cấp lãnh thổ để triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
“Ban đầu, người Mỹ rút khỏi hiệp ước này (Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn) để bây giờ khai thác các không gian mới, trong đó có Philippines. Và tôi chắc chắn rằng các quốc gia khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ nhận được yêu cầu cung cấp lãnh thổ hiếu khách cho các loại vũ khí tương tự”, Ngoại trưởng Nga nói
Phát biểu trên có cơ sở hay không? Mỹ đang muốn gì ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương? Khả năng là những nước nào có thể nhận được lời đề nghị của Mỹ? Việt Nam sẽ phản ứng như thế nào nếu nhận được đề nghị như thế?
Sputnik đã phỏng vấn nhà phân tích chính trị và quân sự, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An, Đại tá Nguyễn Minh Tâm về chủ đề đang nóng này.
Một tuyên bố vô trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á- TBD
Sputnik: Kính chào ông Nguyễn Minh Tâm! Chân thành cảm ơn ông vì một lần nữa đã vui lòng nhận lời trả lời phỏng vấn của Sputnik. Hôm nay chúng ta sẽ bàn luận và phân tích về phát biểu của Ngoại trưởng Nga về khả năng Mỹ sẽ liên hệ với các quốc gia châu Á để yêu cầu cung cấp lãnh thổ cho việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Như chúng ta đã biết, phát biểu của ông Sergei Lavrov được đưa ra trong bối cảnh trước đó, Tư lệnh lực lượng mặt đất Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương tuyên bố về ý định của Washington triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về tuyên bố của Tư lệnh Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Tuyên bố của viên tư lệnh lục quân Mỹ tại Bộ Chỉ huy khu vực Thái Bình Dương (PACCOM) là một tuyên bố vô trách nhiệm đối với hòa bình và ổn định tại khu vực quan trọng này của thế giới. Tuy nhiên, tuyên bố đó phản ánh đúng bản chất của chính quyền Mỹ, một chính quyền dù của bất kỳ đảng nào lên cầm quyền luôn theo đuổi chủ nghĩa đế quốc, muốn một mình cai quản thế giới, bắt các nước trên thế giới phải lệ thuộc vào nước Mỹ.
Cuồng vọng này của người Mỹ không phải bây giờ mới có. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người Mỹ đã độc quyền vũ khí hạt nhân trong 5 năm liền (1945-4949) và thi hành chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đối với toàn thế giới. Chỉ sau khi Liên Xô phá vỡ thế độc quyền của Mỹ bằng vụ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong năm 1949, Mỹ mới chịu “xuống thang” tạm thời nhưng vẫn ôm giấc mộng bá chủ thế giới với chiến lược “vượt trên ngăn chặn”.
Trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, giới chính khách diều hâu ở Mỹ, đứng đầu là William Kristol và Robert Kagan còn lập ra “Dự án Thế kỷ nước Mỹ mới” (Project for the New American Century, viết tắt là PNAC) với tham vọng “thúc đẩy vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ”. Mặc dù tổ chức này tuyên bố giải thể năm 2006 nhưng thực chất, nó được chuyển thành “Sáng kiến chính sách đối ngoại” (Foreign Policy Initiative) nhưng mục tiêu của nó không hề thay đổi. Chẳng qua đó chỉ là một cái “bình mới” được thay thế để đựng “rượu cũ” mà thôi. Thứ “rượu” đó vẫn là thiết lập quyền bá chủ toàn cầu của nước Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, khi vị trí “cảnh sát toàn cầu” của Mỹ đang bị thách thức từ các cường quốc Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, vai trò “sen đầm quốc tế” của Mỹ đang bị lu mờ; người Mỹ đang cố gắng níu kéo lại một “thế giới phẳng với “tòa nhà chọc trời” duy nhất là Mỹ. Không những thế, Mỹ vẫn nuôi âm mưu “gây bất ổn có kiểm soát” trên toàn thế giới, kích động xung đột, tạo ra những điểm nóng” để dễ bề thao túng và “trừng phạt” các quốc gia không tuân theo “cây gậy chỉ huy” của Mỹ.
Trong một bài chính luận đăng trên báo Cứu Quốc, số 1827, ra ngày 28/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong thời đại ngày nay còn chủ nghĩa đế quốc, thực dân thì còn nguy cơ xảy ra chiến tranh. Chiến tranh bắt nguồn từ chính bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Chiến tranh là bạn đường của chủ nghĩa đế quốc!”
Từ đó, có thể thấy nước Mỹ tồn tại được là nhờ việc gây ra các cuộc chiến tranh. Vì vậy, chừng nào mà chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại ở Mỹ thì nguy cơ chiến tranh cục bộ, chiến tranh tổng lực, chiến tranh phức hợp và chiến tranh thế giới vẫn không thể bị đẩy lùi.
Nhận định của ngoại trưởng Sergei Lavrov là có cơ sở, xét cả về lịch sử can dự của Mỹ trên toàn thế giới
Sputnik: Theo quan điểm của ông thì nhận định của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cơ sở hay không?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Nhận định của ngoại trưởng Sergei Lavrov là có cơ sở, xét cả về lịch sử can dự của Mỹ trên toàn thế giới nói chung và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã gây ra hàng chục cuộc chiến tranh trên khắp các châu lục và hàng trăm cuộc can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi mà người Mỹ “thi thố” sức mạnh quân sự của họ nhiều nhất. Đó là “Chiến tranh Triều Tiên” (1950-1953), là “Chiến tranh Việt Nam” (1954-1975), là “Chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991), là “Chiến tranh Afghanistan” (2001-2021), là Chiến tranh Iraq(2003-2011).v.v… Những cuộc xung đột vũ trang tại Trung Đông giữa Israel với các nước Ả Rập, tại Nam Tư, các cuộc nội chiến tại vùng Sừng Châu Phi, tại Syria, tại Nicaragua, tại Cuba.v.v… đều có sự can thiệp của nước Mỹ.
Biểu tình phản chiến trước tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn.
© AP Photo
Đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay. Mâu thuẫn Trung – Mỹ là mâu thuẫn lớn nhất. Trong đó, Mỹ chủ trương thiết lập các lớp vành đai bao vây Trung Quốc thông qua các liên minh như QUAD hay AUKUS và liên tục lôi kéo các quốc gia trong khu vực vào cuộc “thập tự chinh” chống lại đối thủ. Mỹ đã thuyết phục được Philippines thay đổi chính sách đối ngoại từ cân bằng sang thân Mỹ.Và địa bàn này được coi là lý tưởng để quân đội Mỹ triển khai các thứ vũ khí hiện đại như trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”. Mỹ cũng đã “ướm thử” với Đài Loan về việc triển khai tên lửa tầm trung tại đây sau khi đã thuyết phục được Hàn Quốc và chuyển giao công nghệ tên lửa tầm trung cho nước này, được ngụy trang dưới dạng các tổ hợp tên lửa phòng không.
Sputnik: Nếu Mỹ đặt được tên lửa tầm trung ở Đài Loan thì đó là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng cho khu vực này, bao gồm cả Việt Nam…
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Đúng vậy! Nếu Mỹ đặt được tên lửa tầm trung ở Đài Loan thì hầu như toàn bộ miền Đông Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam và Lào) sẽ nằm trong tầm bắn. Tuy nhiên, trước sự cứng rắn của Trung Quốc, Đài Loan sẽ khó có thể chấp nhận cho Mỹ đặt căn cứ tên lửa trên hòn đảo này.
Khả năng các nước nhận lời đề nghị của Mỹ là rất thấp
Sputnik: Theo đánh giá của ông, những nước nào nằm trong “danh sách” nhận được lời đề nghị trên của Mỹ như Philippines? Và khả năng họ sẽ phản ứng như thế nào?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Nhật Bản chắc chắn sẽ cự tuyệt nếu Mỹ đề nghị đặt tên lửa tầm trung tại lãnh thổ của họ. Người Nhật vẫn không hề quên các thảm họa Hiroshima và Nagasaki mà người Mỹ đã mang đến cho họ.
Hậu quả của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima
© AP Photo
Các quốc gia Đông Nam Á (trừ Philippines) chắc chắn sẽ phải cân nhắc rất nhiều nếu Mỹ đề nghị họ cho đặt các tên lửa tầm trung. Khối ASEAN nói chung luôn hướng tới việc duy trì hòa bình và ổn định để lo quốc kế dân sinh, để phát triển kinh tế xã hội hơn là dính líu vào những mâu thuẫn, xung đột không liên quan đến mình.
Một số quốc gia khác là láng giềng của Trung Quốc từ Đông Nam Á đến Nam Á cũng có thể nhận được những lời đề nghị của Mỹ. Tuy nhiên, khả năng họ chấp nhận những đề nghị đó là rất thấp. Trung Quốc đang có các quan hệ tốt với Lào, Myanmar, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka. Ngay cả Thái Lan, nước đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng thay đổi chính sách từ thân Mỹ sang trung dung. Gần đây, họ tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập khối BRICS.
Việt Nam chắc chắn sẽ từ chối
Sputnik: Việt Nam sẽ đáp lại như thế nào, nếu nhận được lời đề nghị trên của Mỹ?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, BCA:
Việt Nam sẽ từ chối nếu Mỹ đưa ra đề nghị đặt vũ khí tấn công trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là điều chắc chắn!
Mặc dù Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Marc Knapper có đưa ra những lời “chiêu dụ” khá màu mè và ẩn chứa hàm ý lôi kéo Việt Nam rằng “Chúng ta đã muộn 77 năm và bây giờ không có thời gian để hối tiếc” nhưng người Việt Nam lại hiểu người Mỹ còn hơn cả người Mỹ hiểu về Việt Nam. Cũng chính từ kinh nghiệm của chính mình và của nhiều nước khác trên thế giới như Cuba, như Nicaragua, như Venezuela, như Chile, như Philippines, như Iraq.v.v… người Việt Nam rút ra một điều cốt lõi là “Quốc gia nào tin vào Mỹ thì quốc gia đó sẽ trở thành nô lệ của Mỹ”.
Mặt khác, với chính sách đối ngoại quốc phòng 4 không của mình, Việt Nam chắc chắn sẽ từ chối đề nghị cho Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Việt Nam. Bởi nếu nhận lời đề nghị, Việt Nam sẽ vướng vào các rắc rối sau đây:
Một là biến lãnh thổ Việt Nam và quan trọng hơn là nhân dân Việt Nam trở thành mục tiêu tấn công của bên thứ ba đối địch với Mỹ.
Hai là gây thù chuốc oán trong khi cần có hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là sự lệ thuộc vào Mỹ sẽ là khó tránh khỏi bởi điều đó không khác mấy so với việc “đuổi hổ cửa trước, rước cọp cửa sau”.
Cuối cùng là chính chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ sẽ bị uy hiếp thường xuyên.
Các mâu thuẫn, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc vốn không có nguyên nhân liên quan tới Việt Nam và Việt Nam cũng không hề tham gia vào những mâu thuẫn đó. Không những thế, Việt Nam còn chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ những mâu thuẫn, xung đột đó nên việc đi với nước này để chống lại nước kia là điều tối kỵ trong quan hệ quốc tế hiện đại. Việt Nam biết chắc chắn rằng người Mỹ đang lôi kéo toàn cầu vào những cuộc phiêu lưu quân sự mới. Vì thế mà từ trước đây tới hiện tại và cả về lâu về dài sau này. Việt Nam chắc chắn không bao giờ cho bất kỳ nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình chứ không chỉ riêng người Mỹ.
Sputnik: Xin chân thành cảm ơn ông vì cuộc phỏng vấn thú vị.