3 nhà thầu Việt Nam muốn làm ‘siêu cảng’ Cái Mép Hạ đón tàu biển lớn nhất thế giới

Liên danh 3 nhà đầu tư nội địa của Việt Nam là SCIC - Geleximco - ITC đề xuất đầu tư “siêu cảng” Cái Mép Hạ với tổng vốn lên tới 50.820 tỷ đồng, có thể đón các tàu biển lớn nhất thế giới, quy mô 351ha.
Sputnik
Bộ GTVT ủng hộ việc kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư khai thác cảng nhưng đề nghị liên danh cần chứng minh năng lực tài chính, khả năng thu xếp nguồn vốn.

3 nhà thầu nội địa đề xuất làm siêu cảng Cái Mép Hạ

Hồi cuối tháng 4/2024, Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - Tập đoàn Geleximco - Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) đã đề xuất triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ.
Văn bản này do ông Vũ Văn Tiền, Tổng giám đốc Geleximco thay mặt Liên danh ký.
Theo đó, giai đoạn 1 (2024-2030), liên danh 3 nhà thầu nội địa Việt Nam dự kiến đầu tư 2 bến với tổng chiều dài 0,9 km cho tàu tải trọng đến 250.000 DWT.
Cũng theo đề xuất, “siêu cảng” Cái Mép Hạ sẽ được xây dựng tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) nằm ở cửa sông, có luồng hàng hải rộng và sâu, cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn.
Hạ thuỷ thành công tàu chở hàng rời lớn nhất đóng mới tại Việt Nam
Tổng giám đốc Geleximco Vũ Văn Tiền cho biết, 3 thành viên trong Liên danh “rất quyết tâm” khi đã kiên trì theo đuổi nghiên cứu và đề xuất đầu tư Dự án gửi đến các cấp có thẩm quyền trong nhiều năm qua.
“Liên danh SCIC - Geleximco - ITC sẽ cam kết giải quyết được các vướng mắc khó khăn của nhà đầu tư cũ và có đủ năng lực để triển khai đầu tư xây dựng Dự án phù hợp với quy hoạch mới”, đại diện Liên danh khẳng định với các cấp chính quyền.

Quan điểm của Bộ GTVT

Từ giữa tháng 5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu đề xuất dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ của liên danh nhà đầu tư, báo cáo Thủ tướng.
Theo thông tin trên báo Đầu tư, dù phải chờ thêm ý kiến của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đến thời điểm này, 3 nhà đầu tư nội địa của Việt Nam đã nhận được khá nhiều sự đồng thuận của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Điều này cũng được nêu tại Công văn số 5567/BGTVT-KHĐT gửi Chính phủ tuần rồi, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đánh giá việc liên danh nhà đầu tư đề xuất giai đoạn 1 là “phù hợp” với quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết cảng biển về quy mô cỡ tàu, công năng và lộ trình đầu tư các bến cảng.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm “ủng hộ nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm” để đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển, tăng cường sự kết nối giữa cơ sở hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ.
Cảng quốc tế Cái Mép chính thức được đón siêu tàu container
Việc này góp phần phát huy định hướng quy hoạch cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng đặc biệt.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng lưu ý, với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 50.820 tỷ đồng, liên danh nhà đầu tư “cần chứng minh năng lực tài chính”, khả năng thu xếp nguồn vốn làm cơ sở để cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định.

“Cần thiết”

Hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 7 bến cảng có chức năng khai thác hàng container với công suất quy hoạch đến năm 2020 đạt 7,66 triệu Teus/năm.
Trong khi đó, lượng hàng container thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu trung bình 3 năm vừa qua đạt trên 8 triệu Teus/năm, tập trung chủ yếu vào 5 bến cảng tại khu bến Cái Mép.
Có thể thấy, lượng hàng container thông qua đã vượt quá công suất thiết kế của các bến container tại khu vực Cái Mép.
Ấn Độ muốn đầu tư cảng nước sâu ở Việt Nam
Tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu, khu bến Cái Mép Hạ (Bà Rịa - Vũng Tàu) được Thủ tướng Chính phủ xác định là thuộc các dự án bến cảng biển ưu tiên đầu tư đến năm 2030.
Do đó, theo Bộ GTVT, việc sớm triển khai đầu tư các bến cảng khu vực Cái Mép Hạ theo quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch là cần thiết.
Thảo luận