300 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch vẫn nằm trong tài khoản
Các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Chất vấn ông Hùng, ĐBQH Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) nêu câu hỏi, sau đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm hỗ trợ ngành du lịch sớm phục hồi và phát triển bằng chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ và đã bố trí ngân sách 300 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Thế nhưng, đến nay, số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản gửi ngân hàng, số tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ. Đại biểu Cường đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân cũng như có biện pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, 300 tỷ đồng không phải là quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch mà theo luật Du lịch thì đây gọi là “vốn điều lệ”.
Vốn điều lệ thì được áp dụng theo quyết định số 49. Tại khoản 7, điều 9 của quyết định 49 do Thủ tướng ban hành thì vốn điều lệ được bảo tồn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng và bảo tồn nguồn vốn đó.
Phần lãi, theo ông Hùng, được đưa ra để chi phí cho tổ chức bộ máy. Còn kinh phí thì được dùng để xúc tiến các hoạt động du lịch do chính phủ cấp thoong qua tỷ lệ phần trăm đóng góp của ngành du lịch qua phí, vé.
Bộ trưởng bày tỏ, 300 tỷ đồng được bố trí cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch theo 2 đợt. Trong đó, 150 tỷ đồng được bố trí trong đợt đầu đã được gửi ngân hàng, số tiền lãi chi cho hành chính, bộ máy theo quyết định 49 của Thủ tướng và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước.
Ông Hùng nhấn mạnh, Bộ đang chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ và tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp trích lập các quỹ theo quy định vì đây là mô hình mới.
“Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập. Hai loại hình này rất khó trong hoạt động nên đang vướng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phân trần.
Theo người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tinh thần sắp tới là “quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy”. Nếu cần thiết báo cáo đánh giá tác động xem xét sửa đổi Quyết định 49 của Thủ tướng về chức năng, nhiệm vụ của quỹ để đưa vào hoạt động, phục vụ tốt hơn hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như trong quy định tại luật Du lịch.
Xin tranh luận, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho biết, nếu giao quỹ này cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi Bộ lại đem tiền đi gửi ngân hàng thì không cần ban quản lý quỹ, rất lãng phí.
Ông Thân cho rằng, việc quản lý quỹ này nên giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với nguyên tắc là không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Đồng thời, việc quản lý quỹ này có thể giao cho Văn phòng Bộ.
Đối với vấn đề ĐB Thân đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, quỹ phát triển du lịch được hình thành từ 2021.
Ông nhắc lại, số tiền 300 tỷ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy. Trong khi đó, tiền cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hàng năm, mức này khoảng 5-10%.
“Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì cấp ít”, Bộ trưởng cho biết.
Về bộ máy vận hành, điều hành quỹ, Bộ trưởng thừa nhận là “chưa ổn”, và có tiền mà không tiêu được. Ông làm rõ thêm, phần tiền Quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.
“Đến thời điểm này, chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Chúng tôi sẽ chấn chỉnh điều hành, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định.
Du lịch đêm, kinh tế đêm
ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) nêu câu hỏi, du lịch đêm là hướng đi cần phát triển nhưng sản phẩm hiện nay còn đơn điệu, chưa đa dạng, đặc sắc để thu hút giữ chân du khách.
Trong khi đó, hoạt động kinh tế đêm, du lịch đêm có tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hùng cho hay, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn 12 tỉnh, thành để phát triển một số sản phẩm du lịch đêm.
“Kết quả là những khu vực này thường xuyên có khách quốc tế, phát triển du lịch”, Bộ trưởng cho biết.
Ông dẫn chứng, như ở Hà Nội, phát huy các di tích, trở thành nơi du lịch văn hóa như Văn Miếu là nơi tinh hoa đạo học. Ở Ninh Bình, từ cố đô Hoa Lư có đêm cố đô; ở TP.Hồ Chí Minh có sắc màu đêm Sài Gòn…
“Các loại hình văn hóa, phố đi bộ, ẩm thực đường phố… giúp thu hút, đáp ứng một phần nhu cầu của du khách”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng cũng thừa nhận, đây là sản phẩm kinh tế tổng hợp nên để giải quyết bài toán căn cơ này, đã đề xuất địa phương nghiên cứu, giải quyết một số vấn đề.
Trong đó, cần có quy hoạch khu kinh tế đêm ở đâu, vì không thể phát triển xen kẽ, làm thế nào để có đêm yên tĩnh cho người dân ngủ khi bên này hoạt động còn bên kia ngủ, chưa kể, phải bố trí lực lượng tham gia, bán hàng, an ninh trật tự, chế độ chính sách cho những người làm đêm ở đơn vị sự nghiệp công lập, nghiên cứu thị trưởng, bởi không cẩn thận thì sẽ bị bỏ lại phía sau.
Theo người đứng đầu Bộ Văn hóa, hướng tiếp cận là gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa thiết kế, trải nghiệm cho du khách, phát triển loại hình ẩm thực, xem xét mở thêm cửa hiệu mua sắm…
“Tuy nhiên, cần phải có quy hoạch và công tác đào tạo thì sản phẩm du lịch đêm mới phát triển được”, theo Bộ trưởng.