Tương tự, đối với các vụ án Thuận An và Phúc Sơn, ông Ngô Văn Tuấn lý giải, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán các đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công. Các doanh nghiệp không có vốn Nhà nước sẽ "không được kiểm toán nhà nước".
Kiểm toán Nhà nước không liên quan trách nhiệm vụ ngân hàng SCB
Sáng 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Trả lời các đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho thấy ông nắm chắc các vấn đề trong lĩnh vực của mình, lập luận thuyết phục, không né tránh các câu hỏi được cử tri, dư luận quan tâm.
Cổng TTĐT Chính phủ dẫn chất vấn của đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn làm rõ vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việcđiển hình như ngân hàng SCB?
Ông Hải cho rằng, vụ việc của ngân hàng SCB thời gian qua được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi. Thông tin đại chúng cho thấy, nhiều công ty kiểm toán đã kiểm toán, báo cáo tài chính của SCB nhưng không phát hiện được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng này.
Từ đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết “vai trò, trách nhiệm” của Kiểm toán Nhà nước đối với các vụ việc như vụ việc của ngân hàng SCB vừa qua?
Trả lời đại biểu, ông Ngô Văn Tuấn cho rằng vụ việc xảy ra ở Ngân hàng SCB “không liên quan” đến Kiểm toán Nhà nước, cũng không thuộc phạm vi của kiểm toán Nhà nước.
Ông Tuấn lý giải, SCB là công ty đại chúng nên "thuộc đối tượng phải kiểm toán độc lập". Do đó, trách nhiệm trong vụ SCB thuộc về các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
Ông Tuấn cho biết thêm, chức năng của Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán các đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định pháp luật. Như vậy, các doanh nghiệp không có vốn Nhà nước sẽ "không được kiểm toán nhà nước".
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói gì?
Giải trình thêm về vụ Ngân hàng SCB, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hệ thống kiểm toán hiện nay ở Việt Nam chia thành hai nhánh, gồm kiểm toán Nhà nước (do Quốc hội thành lập) và kiểm toán độc lập.
Từ năm 2012 đến 2022, Ngân hàng SCB đã thuê các công ty kiểm toán nước ngoài như EY, Deloitte và KPMG làm kiểm toán báo cáo tài chính. Theo ông, quá trình thực hiện kiểm toán này "có thiếu sót, sai phạm và đã được cơ quan điều tra, xử lý trong các vụ án".
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm, khi kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước - đơn vị thuộc diện kiểm toán Nhà nước, cơ quan này "đã đưa ra kiến nghị, lưu ý về hoạt động của SCB".
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề kiểm toán vào cuộc không phát hiện vi phạm, nhưng khi cơ quan chức năng điều tra thì lại lộ ra rất nhiều sai phạm.
Ông Ngô Văn Tuấn thừa nhận, báo cáo kiểm toán đã phát hành không nêu sai phạm, nhưng khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung lại xác định có vi phạm, như vậy thì phải làm rõ trách nhiệm.
"Tuy nhiên, trong 30 năm hoạt động, Kiểm toán Nhà nước chưa có trường hợp nào bị xử lý như vậy", Tổng kiểm toán Nhà nước khẳng định.
Về các vụ án Thuận An, Phúc Sơn thì sao?
Tham gia đặt câu hỏi, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) dẫn thực trạng từ các vụ án ở Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An cho thấy có sự câu kết của doanh nghiệp ngoài Nhà nước với cán bộ trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản Nhà nước.
Theo ông, các doanh nghiệp tư nhân không thuộc diện kiểm toán Nhà nước nhưng những vụ việc này đều liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công. Từ đó, đại biểu Cường đề nghị Tổng kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, qua các vụ việc trên có kiến nghị gì để Kiểm toán Nhà nước tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm hay không.
Trà lời đại biểu, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội thành lập, có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đơn vị được kiểm toán nhà nước là đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, có một số vụ án lớn liên quan đấu thầu, như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu. Tuy vậy, cả Phúc Sơn và Thuận An đều không có vốn Nhà nước, nên "không được kiểm toán nhà nước".
Tuy nhiên, do vụ việc có liên quan đến một số chủ đầu tư, nhà thầu có vốn Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước vẫn tham gia rà soát lại toàn bộ theo hồ sơ họ cung cấp, đưa ra kiến nghị theo thẩm quyền.
Về việc Kiểm toán Nhà nước tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm, ông Tuấn nói thuật ngữ "kiểm toán điều tra" từng được đề cập nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tranh luận. Bản thân ông Tuấn cũng thấy có rất ít nước trên thế giới mà kiểm toán thực hiện chức năng điều tra.
Kiểm toán độc lập không phát hiện bất thường gì trong vụ án SCB
Trong vụ án tại SCB, ngân hàng này bị cáo buộc đã thuê các công ty kiểm toán thuộc nhóm "Big 4" – là các hãng kiểm toán danh tiếng hàng đầu thế giới – kiểm tra báo cáo tài chính hàng năm.
Kết quả thẩm định thường niên giai đoạn 2012 - 2021 không nêu ra điểm nào bất thường về tình hình tài chính của ngân hàng, như nội dung các báo cáo kiểm toán mà phía SCB đã công bố.
Trong đợt kiểm toán gần nhất tháng 6/2021, trước khi khởi tố vụ án, SCB đạt lợi nhuận lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi sự việc "vỡ lở", SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ 10/2022, kết quả kiểm toán cho thấy ngày 30/9/2022, ngân hàng này đã lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.
Ngày 11/4/2024, TAND TP.HCM đã đưa ra phán quyết về sai phạm của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can khác có liên quan.
Trong đó, bà Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình về 3 tội danh: Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bị can Lê Thanh Hà, cựu Phó Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, bị tuyên phạt 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.