Trong dự thảo, TAND tối cao cũng đề xuất nhiều quy định về tố tụng thân thiện với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, vụ án hình sự về người chưa thành niên phải được xét xử trong phòng xử án thân thiện; quá trình xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác.
Đề xuất giảm mức phạt tù người dưới 18 tuổi phạm tội
Theo TTXVN, chiều 6/6, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo đó, trong dự thảo, TAND tối cao đề xuất giảm mức phạt tù với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, hình phạt tù cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi giảm từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội giảm từ 12 năm xuống 9 năm tù.
TAND tối cao đánh giá, người chưa thành niên thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, bốc đồng, manh động; khó kiểm soát cảm xúc...
Người chưa thành niên cũng là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.
Quan điểm xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội tại Việt Nam hiện nay vẫn nặng về răn đe và áp dụng hình phạt; chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng vào việc tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi.
TAND tối cao cho rằng, việc giảm mức phạt tù với người dưới 18 tuổi phạm tội như đề xuất tại dự thảo sẽ giúp khắc phục những hạn chế như đã nêu trên, đề cao tính nhân văn.
Để không làm mất sự nghiêm minh của chính sách hình phạt, dự thảo cũng quy định 5 tội danh mà nếu người chưa thành niên thực hiện thì không được giảm mức phạt tù (vẫn áp dụng như quy định hiện hành tại Bộ luật Hình sự năm 2015), bao gồm: Giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, sản xuất trái phép chất ma túy.
Dự thảo luật cũng bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Đồng thời, dự thảo còn có nội dung giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm.
Đặc biệt, TAND tối cao đề xuất mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng thì có thể áp dụng hình phạt tiền. Hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện. Mức tiền phạt không quá 1/3 điều luật quy định.
“Quy định này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của người chưa thành niên và bảo đảm thực hiện nguyên tắc ‘xử lý chuyên biệt’”, Ủy ban Tư pháp đánh giá.
Nên hay không việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội?
Tờ trình của TAND Tối cao đưa ra 8 vấn đề xin ý kiến Quốc hội, do còn ý kiến khác nhau. Trong đó, có quy định về việc tách vụ án hình sự.
TAND Tối cao cho biết, loại ý kiến thứ nhất cho rằng phải tách vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập.
“Chỉ có như vậy mới thực hiện được yêu cầu rút ngắn thời hạn, giải quyết vụ án nhanh chóng, bảo đảm các quy trình tố tụng thân thiện, thực hiện chính sách hình sự chuyên biệt, tố tụng được tiến hành bởi các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán…có chuyên môn, kinh nghiệm đặc thù và phù hợp với thông lệ quốc tế”, TAND Tối cao nhận định.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến thứ hai cho rằng không nên tách vụ án hình sự vì sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết và đề nghị giữ như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp đề nghị không quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên để giải quyết độc lập, mà theo hướng “ưu tiên việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng”.
Lý do, có trường hợp tách vụ án có thể dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án, cũng như xác định chính xác vai trò của từng đối tượng trong vụ án. Bên cạnh đó, khi tách vụ án, người chưa thành niên phải tham gia vào quá trình giải quyết của cả 2 vụ án, từ đó có thể tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của người chưa thành niên.
Dù vậy, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra vẫn tán thành quy định phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội…
Ngoài ra, TAND tối cao cũng đề xuất bổ sung và hoàn thiện nhiều quy định về tố tụng thân thiện với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó, quy trình khởi tố, điều tra, truy tố phải được thực hiện trong môi trường thân thiện, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, bí mật cá nhân, danh dự, nhân phẩm của người bị buộc tội.
Bên cạnh đó, vụ án hình sự về người chưa thành niên phải được xét xử trong phòng xử án thân thiện; quá trình xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác.