Đáng chú ý, quá trình thực hiện dự án này đã hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính, gồm 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo - Cienco 6 và 1 vụ kiện với nhà thầu Hitachi, có tổng giá trị khiếu kiện lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nhiều lần xin lùi thời gian hoàn thành
Sau nhiều lần chậm trễ, TP.HCM đặt mục tiêu đưa metro số 1 vào khai thác thương mại trong năm nay 2024. Tuy nhiên, dự án này hiện vẫn đang đối mặt rất nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu này.
Thời điểm hiện tại, sau khi trải qua 4 lần điều chỉnh thời gian hoàn thành, dự án metro số 1 nay đã đạt 98% tổng khối lượng.
Lần gần nhất, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh cho phép dự án metro số 1 hoàn thành thi công đến cuối quý IV/2023 với cam kết không phát sinh chi phí.
Mới đây, TP.HCM một lần nữa kiến nghị phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công và đưa dự án vào vận hành thương mại trong năm 2024.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đã có văn bản báo cáo kết quả, tiến độ giải quyết các công việc của Tổ công tác về giải quyết khó khăn, vướng mắc của dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
“Dự án metro số 1 đã hoàn thành hơn 98,24% nhưng vẫn đang gặp một số vướng mắc, khó khăn, nên có thể phải tiếp tục lùi lịch chạy thử”, MAUR nhấn mạnh.
Hiện có tới 4 cơ quan là Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đang xem xét, cho ý kiến đề xuất này trước khi trình Thủ tướng.
Việc tiếp tục lùi thời hạn hoàn thành thi công của dự án đã dẫn đến tình trạng chậm giải ngân cho các nhà thầu năm 2024, vì lý do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (điều chỉnh thời gian thi công).
Trong bối cảnh chủ đầu tư quyết liệt yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị để đưa dự án về đích năm 2024, thì đến nay đã là tháng 6, dự án mới giải ngân được 8,6% kế hoạch vốn được giao năm nay.
Chưa hết, việc lùi thời hạn hoàn thành dự án từ năm 2023 sang năm 2024 còn ảnh hưởng đến việc nhập khẩu hàng hóa gói thầu CP3 (do nhà thầu Hitachi thực hiện), vì chưa thể tiếp tục gia hạn danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế.
Vì CP3 là gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe, đường ray, đào tạo vận hành và bảo dưỡng, nó có vai trò quan trọng trong việc xác định thời gian đưa dự án vào vận hành thương mại.
Thiếu sự phối hợp giữa các nhà thầu
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, lý do chính dẫn đến việc chậm đào tạo liên quan đến kế hoạch tổng thể do Tư vấn chung thực hiện.
Theo đó, Tư vấn NJPT đến nay vẫn chưa hoàn thành kế hoạch đào tạo tổng thể của dự án, bao gồm đào tạo và chuyển giao kiến thức...
Ngoài ra, nhà thầu Hitachi cũng đang đẩy lùi các mốc tiến độ, như mốc tiến hành vận hành khai thác thử (Trial-Run) bị đẩy lùi về tháng 11 thay vì tháng 10, từ đó càng làm cho tiến độ dự án bị chậm lại.
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị đã kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có ý kiến đối với nhà thầu Hitachi về việc tuân thủ tiến độ mục tiêu dự án, có tinh thần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải pháp "tạm" hài hòa lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm pháp lý hai bên, nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.
Ngoài ra, theo chủ đầu tư, Tư vấn chung NJPT cũng cần củng cố vai trò và năng lực của mình. Lý do, NJPT chưa đưa ra biện pháp, giải pháp thúc đẩy tiến độ của dự án lẫn về mặt kỹ thuật, thương mại, hợp đồng…
Sự thiếu phối hợp giữa các nhà thầu (xây dựng nhà ga và cung cấp lắp đặt thiết bị) đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của công tác chuẩn bị nghiệm thu để đưa dự án vào khai thác thương mại.
Đã hình thành 3 vụ kiện
Hiện dự án đã hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính, gồm 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo - Cienco 6 và một vụ kiện với nhà thầu Hitachi, có tổng giá trị khiếu kiện lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đến nay, dự án đã triển khai ký kết thỏa thuận hòa giải với nhà thầu gói thầu CP2 (Liên danh Sumitomo và Cienco 6); đồng thời rà soát chuẩn bị ký kết thỏa thuận hòa giải với nhà thầu gói thầu CP1b (Liên danh Shimizu - Maeda).
Với gói thầu CP3, chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu thành lập Ban xử lý tranh chấp DAB nhằm đẩy nhanh tiến độ gói thầu CP3 và công tác đào tạo chuẩn bị Trial-run (vận hành khai thác thử).
Ngày 6/6, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, đa phần các khiếu kiện của các nhà thầu tại dự án đều bị Tư vấn chung NJPT (đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị) bác bỏ với lý do không đủ căn cứ pháp lý.
Trường hợp không hài lòng, nhà thầu có quyền đề nghị thành lập ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị Trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng đối với các nội dung khiếu nại.
Theo chủ đầu tư, các khiếu nại tương tự (áp dụng hợp đồng FIDIC) là phổ biến trên thế giới. Tại dự án metro số 1, nhà thầu khiếu nại ở tất cả gói thầu trong suốt quá trình triển khai thực hiện đến nay.
Được biết, metro số 1 có chiều dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, là một trong 10 tuyến thuộc hệ thống metro thành phố.
Sau nhiều lần chậm tiến độ và lùi thời gian hoàn thành, chủ đầu tư đặt mục tiêu đưa vào vận hành toàn tuyến vào tháng 11 năm nay.