Mọi thứ tưởng như là dễ dàng đưa vào vận hành nhưng còn nhiều thủ tục mà trong đó thành phố không thể dùng quyết tâm chính trị vượt qua được. Lãnh đạo TP.HCM trăn trở, nếu 200km metro còn lại vẫn thực hiện như vừa qua thì không thể chấp nhận được.
TP.HCM chú trọng cải thiện hạ tầng
Sáng 13/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (mở rộng), theo trang tin điện tử Đảng bộ thành phố.
Đáng chú ý, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về 2 đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo kết quả cuộc họp hội đồng thẩm định cấp Nhà nước quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về sắp xếp đơn vị hành chính, người đứng đầu UBND TP cho biết từ nay đến năm 2030, TP.HCM vẫn giữ nguyên 16 quận, 5 huyện và TP. Thủ Đức.
“Giai đoạn này, TP.HCM sẽ củng cố, tăng chất lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các địa phương”, ông Mãi nói.
Với 5 huyện (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ), cần tập trung xây dựng hạ tầng hướng đến các chỉ tiêu đô thị để chuyển lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Giai đoạn 2030 - 2040, TP.HCM tổ chức các vùng đô thị gồm đô thị trung tâm, TP. Thủ Đức và các thành phố phía Nam, Tây Nam, Tây Bắc.
“Riêng Cần Giờ sẽ tính toán vào thành phố phía Nam hoặc một đô thị đặc biệt”, theo báo cáo.
Tiếp đó, đến năm 2040, TP.HCM sẽ hình thành 5 thành phố giống như TP. Thủ Đức hiện tại, từ đó xây dựng mô hình đa trung tâm.
36 tỷ đô làm metro
Tuy nhiên, để phát triển đô thị theo mô hình này, hệ thống đường sắt đô thị (metro) sẽ là phương thức kết nối chính.
Khi có mạng lưới metro, sẽ không chỉ giúp giải quyết điểm nghẽn về giao thông mà còn phát triển các mô hình đô thị đa trung tâm, khai thác được không gian ngầm và phát triển không gian trên cao.
Trở lại với đề án phát triển metro với quy mô vốn hơn 36 tỷ USD, ông Phan Văn Mãi đánh giá, đây là con số lớn và cần có cơ chế đột phá để huy động nguồn lực.
Ông Mãi chia sẻ, khi nghiên cứu đô thị của nước ngoài, metro là phương tiện tất yếu để phát triển. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách, chỉ một số hạng mục có nguồn lực xã hội.
Điển hình như Busan (Hàn Quốc), nguồn thu từ bán vé, quảng cáo, chi phí cho thuê mặt bằng chỉ chiếm từ 40 - 50%, còn lại phải cấp bù ngân sách và cơ chế khai thác từ quỹ đất dọc tuyến.
Do đó, nếu chia 36 tỷ USD trong 10 năm, mỗi năm gần 4 tỷ USD thì không phải quá nhiều, bao gồm cả huy động nguồn vốn và trả nợ sau này.
“TP.HCM không đặt vấn đề vay ODA mà sẽ vay trong dân thông qua trái phiếu metro”, theo Chủ tịch UBND TP.
Theo ông Mãi, một số ngân hàng lớn trên địa bàn khẳng định nếu lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ thì có thể huy động được khoản này.
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dự kiến quý 3 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng.
“TP.HCM sẽ thí điểm các cơ chế mới cho tuyến metro số 2 với mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành”, theo báo cáo.
TP.HCM cũng đang rà soát các vị trí phù hợp mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) để đưa vào đề án, khai thác bù lại ngân sách.
Quyết tâm làm chủ công nghệ
Tại hội nghị hôm nay, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm đã trình bày đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM đến năm 2035 theo kết luận 49 của Bộ Chính trị (đề án metro) với nhiều cơ chế, chính sách chưa từng có.
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 6 tuyến/đoạn tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 183 km, tổng kinh phí hơn 871.000 tỷ đồng (36,33 tỷ USD).
Thành phố cũng đề xuất 28 cơ chế thuộc 6 nhóm về: quy hoạch; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, định mức, đơn giá; tổ chức quản lý, khai thác.
Về tiến độ, TP.HCM sẽ cùng TP. Hà Nội phối hợp Bộ GTVT trình Chính phủ trong tháng 6/2024, sau đó Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong quý 3/2024 và trình Quốc hội ban hành nghị quyết tại kỳ họp cuối năm 2024.
Đề án cũng nêu nhiều cơ chế chính sách, lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nguồn nhân lực trong nước.
Đến năm 2035 sẽ thực hiện nhận, chuyển giao công nghệ đường sắt đô thị, đạt tỷ lệ chung về nội địa hóa từ 30 đến 40% (phương tiện, thiết bị và hệ thống thông tin tín hiệu).
Đối với đường ray sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp luyện kim (thép), có thể chế tạo loại P50 (lắp đặt trong depot).
Đến năm 2045, đề án đặt ra sẽ liên kết sản xuất một số vật tư, phụ tùng, thiết bị, đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30%.
Về nhân lực, TP.HCM hướng đến tăng cường phối hợp với các bộ ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế, đặt hàng các đề tài nghiên cứu ứng dụng về công nghệ đường sắt.
Đặc biệt, phát triển các đơn vị với đội ngũ lao động chất lượng cao, sớm vươn lên thật sự làm chủ kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu phát triển tương lai của thành phố.
Về hệ thống thông tin - tín hiệu sẽ phát triển làm chủ 100% phần mềm, nhận chuyển giao và nghiên cứu sản xuất đối với các linh kiện, phần cứng. Với hệ thống điện động lực, trong nước sẽ đảm nhận tối thiểu 80 - 90% hạng mục điện và máy biến áp…
Lời gan ruột của Bí thư Nên
Bàn thêm về mạng lưới metro, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, quy hoạch thành phố có 8 tuyến dài 220 km, trải qua nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay chỉ có tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gần hoàn thành.
“Dự án đang thực hiện những công đoạn cuối thì dính tới nhà đầu tư nước ngoài và những quy định rất ngặt nghèo để khi tuyến đường sắt đi vào vận hành an toàn với chỉ số cao nhất có thể”, báo Lao Động dẫn lời ông Nên.
Ông cho biết, đến nay qua gần 20 năm, dù thành phố nỗ lực, quyết tâm, nhưng tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) mới hoàn chỉnh hơn 98% và đang trong giai đoạn cuối cùng để vận hành. Mọi thứ tưởng như là dễ dàng đưa vào vận hành nhưng còn nhiều thủ tục mà trong đó thành phố “không thể dùng quyết tâm chính trị vượt qua được”.
Ông nhìn nhận, qua 20 năm thành phố thực hiện một tuyến metro như thế, nếu 200km metro còn lại vẫn thực hiện như vậy thì “không thể chấp nhận được”.
TP.HCM nhiều lần thất hứa, dù đến công đoạn cuối nhưng vẫn còn vướng thủ tục, những quy định ngặt nghèo cần phải giải quyết để đưa vào hoạt động an toàn.
Bí thư Nên lưu ý, phải làm cách khác, từ huy động nguồn lực, phương pháp làm, cơ chế, chính sách mọi thứ phải đổi mới để làm nhanh hơn, rút ngắn thời gian và hiệu quả hơn.
Lãnh đạo Thành uỷ cho biết, metro số 1 là công trình đầu tay nên có thể chấp nhận để rút ra bài học kinh nghiệm.
Hiện tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đang thực hiện giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng, kỹ thuật. Các tuyến khác cũng đang chuẩn bị với điều kiện và thời gian nhanh nhất có thể.
“Nhưng để đáp ứng yêu cầu đề ra là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có sự đột phá”, ông nói.
Với đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, với nhiều xu thế nổi bật, nhiều nhà nghiên cứu cảm nhận dự án không chỉ của TPHCM, của quốc gia hay khu vực mà còn là tài sản có giá trị mang tầm cỡ quốc tế.
Do đó, TP.HCM cần bàn bạc, huy động sức mạnh trí tuệ để đóng góp cho đề án. Ông nhắc lại, đây là dự án có vị trí chiến lược, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế qua biển Đông, thuộc khu vực tiềm năng tăng trưởng của châu Á.
“Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng, phản biện có tình, có lý. Chúng ta phải lắng nghe, tiếp nhận để có sự nghiên cứu, hoàn thiện đề án trước khi trình cấp thẩm quyền cho ý kiến”, Bí thư Thành uỷ TP.HCM chân thành nói.