Về phía các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia, họ đề nghị Chính phủ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, nước giải khát
Bộ Tài chính Bộ Tài chính vừa công bố và đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), theo báo chính phủ.
Theo dự kiến, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025.
Căn cứ vào dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc bổ sung này là để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.
Việc này, theo Bộ Tài chính, là nhằm kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường cũng nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài rượu, bia, nước ngọt, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng mức thuế và mở rộng nhóm hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Theo đó, dự thảo quy định rõ thuốc lá chịu thuế gồm thuốc lá điếu, sợi, xì gà, thuốc lào hoặc các dạng khác. Trước mắt, thuế suất với thuốc lá sẽ giữ ở 75% nhưng tuỳ mặt hàng sẽ được bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần.
Từ 2026-2030, mức thuế tuyệt đối áp cho thuốc lá điếu sẽ tăng dần từ 5.000-10.000 đồng một bao, xì gà từ 50.000-100.000 đồng một điếu; các loại thuốc lá sợi, chế phẩm từ cây thuốc lá tăng từ 50.000-100.000 đồng mỗi 100gr/ml.
Với đề xuất này, Bộ Tài chính hy vọng sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 42,7% (năm 2022) về 38,6% vào năm 2030. Cùng với đó, ngân sách thu với thuốc lá sẽ tăng lên 39.200 tỷ đồng vào 2030, gấp 2,2 lần so với năm 2022.
Rượu bia có thể bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đến 100%
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030.
Hiện mức thuế với rượu dưới 20 độ là 35%, rượu trên 20 độ và bia là 65%, mức thuế này áp dụng với cả các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc; đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
Cụ thể, đối với mặt hàng bia, phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030.
Các mặt hàng rượu trên 20 độ cũng được đề xuất hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt giống với mặt hàng bia.
Với rượu dưới 20 độ, Bộ Tài chính đề xuất phương án 1 tăng từ mức thuế 35% hiện hành lên 40% năm 2026 và mỗi năm tăng 5% đến 60% năm 2030. Phương án 2 tăng từ mức 35% hiện hành lên 50% năm 2026, mỗi năm tăng thêm 5% và lên đến 70% vào năm 2030. Với cả hai đề xuất, Bộ Tài chính đều nghiêng về phương án 2.
Lý giải về đề xuất này Bộ Tài chính cho biết trước ngày 1/1/2010, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia được phân biệt theo loại bia: Bia chai, bia lon áp dụng các mức thuế suất 75% đối với bia chai; bia tươi, bia hơi áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% từ năm 2008.
Để thực hiện yêu cầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quốc hội đã thông qua Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2012 và 50% từ ngày 1/1/2013 và đến năm 2014 tiếp tục tăng theo lộ trình lên mức hiện hành là 35% đối với rượu dưới 20 độ và 65% với bia, rượu trên 20 độ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính giá thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, ô tô, còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.
Cùng với đó cũng chưa thực hiện được một số mục tiêu đề ra của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 là nghiên cứu áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe và môi trường.
Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất lộ trình tăng thuế với các mặt hàng bia, rượu trong dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Sau khi tăng thuế, giá bán năm 2026 sẽ tăng 10% (theo phương án 1) và 20% (theo phương án 2) so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Bộ Tài chính nhắc lại, lạm dụng rượu, bia có thể gây nhiều tác hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông.
“Việcáp thuế suất cao là cần thiết để nâng cao nhận thức và hành động về tác hại của việc sử dụng quá nhiều rượu, bia. Mục tiêu là giảm tiêu thụ và hạn chế lạm dụng các sản phẩm này”, theo quan điểm của Bộ Tài chính.
Doanh nghiệp kinh doanh rượu bia nói gì?
Ở chiều ngược lại, về phía doanh nghiệp, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và một số đơn vị đã bày tỏ kiến nghị Chính phủ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Theo các doanh nghiệp, dịch COVID-19 và việc áp dụng Nghị định 100 của Chính phủ đã khiến doanh thu ngành bia, rượu sụt giảm nặng nề. Năm 2023, doanh thu ngành bia giảm 11% và lợi nhuận sụt 23%.
VBA và các doanh nghiệp nhấn mạnh, việc tăng thuế dẫn tới điều chỉnh giá bán chưa phải là công cụ hiệu quả giúp thay đổi thói quen tiêu dùng.
Thay vào đó, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm phù hợp, mang lại lợi ích cho người dùng, nền kinh tế.