Việt Nam: Số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng vì sợ thay đổi chính sách

Theo thông tin của BHXH Việt Nam, có trên 594.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần từ đầu năm đến nay, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu là lao động 20-40 tuổi.
Sputnik
Theo nhà chức trách, số người rút BHXH một lần tăng cũng đến từ suy nghĩ sợ chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi. Ngoài ra, chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp

Tăng người lao động rút BHXH một lần

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin quý 2/2024, do BHXH Việt Nam tổ chức hôm nay, ông Đào Duy Hiện, Phó ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết, số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng.
Theo ông Hiện, 78% lao động rút một lần từ 20 đến dưới 40 tuổi, 98% rời hệ thống an sinh sau một năm nghỉ việc. Người rút chủ yếu làm việc trong doanh nghiệp, nhất là khối FDI chịu nhiều áp lực.
Theo báo Thanh Niên dẫn thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh.
Dân sợ bảo hiểm lừa đảo, nhiều ngân hàng Việt Nam thất thu
Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.
Khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp. Lao động Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long chiếm 60% người rút BHXH một lần.
Số lao động rút BHXH tăng song số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm gần 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 442.400. Hơn 8.700 người có quyết định hỗ trợ học nghề, giảm 4,3%.

Sợ thay đổi chính sách

Theo báo Điện tử Đài tiếng nói Việt Nam dẫn phát biểu của ông Đào Duy Hiện, lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng BHXH đủ thời gian để được hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, trong độ tuổi này mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao, vì vậy nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ hưởng BHXH một lần.
Mặt khác, theo Phó Trưởng ban Chính sách BHXH, số người rút BHXH một lần tăng cũng đến từ suy nghĩ sợ chính sách thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi; chính sách BHXH tự nguyện còn thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ đóng của Nhà nước còn thấp….
Bộ Tài chính sắp thanh tra 14 công ty bảo hiểm
“Khi được hỏi có cân nhắc giữa hưởng lương hưu, có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi về già hay chọn rút một lần thì nhiều lao động vẫn chọn vế sau vì nhu cầu tài chính trước mắt”, - VnExpress dẫn lời ông Hiện.
Thực tế, nhiều người lao động Việt Nam hiểu chính sách an sinh, muốn có lương hưu, nhưng vì điều kiện kinh tế nên chọn rút. Điều kiện rút hiện cũng khá dễ dàng, mức hưởng hấp dẫn.

Các phương án rút BHXH 1 lần

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin, đầu năm 2023 khi có thông tin về sửa luật Bảo hiểm xã hội, nhiều lao động chưa hiểu hết nên số rút BHXH một lần tăng đột biến, nhưng từ tháng 10/2023 đến nay đã giảm.
Để giải quyết tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến thông qua ngày 25/6 nêu hai phương án giải quyết BHXH một lần.
Phương án 1, lao động tham gia trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện mà đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.
Phương án 2, lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng không đóng tự nguyện thì được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất. Số còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh.
Bộ Tài chính muốn nâng gấp đôi mức phạt với hành vi vi phạm bảo hiểm nhân thọ
Các phương án này được đề xuất lần đầu hồi tháng 3/2023 trong lần lấy ý kiến về dự thảo luật sửa đổi.
Đến nay, cả cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và cơ quan thẩm tra vẫn chưa thống nhất loại bỏ phương án nào do còn “quá nhiều ý kiến khác nhau và cả hai phương án đều chưa tối ưu”.
Theo các dự báo, nếu đà rút bảo hiểm 1 lần tiếp tục thì năm 2024 ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng BHXH 1 lần.
Băn khoăn trước thực tế này, nhiều đại biểu đề nghị có những giải pháp tối ưu để đảm bảo cho hàng triệu người lao động không bị ra khỏi lưới an sinh, không được bảo đảm cuộc sống khi về già.
Thảo luận