Vụ ‘lúa ở Hậu Giang chết vì dùng cát biển làm cao tốc’: Bộ GTVT bác bỏ thẳng

Bộ Giao thông Vận tải bác bỏ thông tin cho rằng cây lúa ở Hậu Giang chết do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền dự án cao tốc.
Sputnik
Bộ khẳng định các dự án thuộc Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và dự án đoạn Cần Thơ-Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông, "chưa sử dụng một hạt cát biển nào".

Các dự án cao tốc đều sử dụng cát sông

Theo TTXVN, Bộ Giao thông Vận tải đã có phản hồi trước thông tin báo chí phản ánh tình trạng thời gian qua, một số hộ dân tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, có diện tích lúa Đông Xuân bị giảm năng suất do dự án cao tốc thi công sử dụng cát biển nhiễm mặn.
Trong thông tin gửi báo chí, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định các dự án thành phần thuộc Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nói chung, dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông.
Cụ thể, dự án thành phần Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.
Quá trình khai thác, vận chuyển cát về thi công công trình được kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan.
Trình Thủ tướng dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Ngoài ra, cơ quan chức năng địa phương cũng kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt, định vị camera giám sát thiết bị khai thác.
Về phía các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu cũng phải tiến hành thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn; khi đưa cát về công trường phải thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ lý theo chỉ dẫn kỹ thuật, đảm bảo đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận.
Công tác thí nghiệm, kiểm tra đều được thực hiện theo tần suất; ngoài ra còn có sự kiểm soát của các cơ quan khác về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ…
Về vấn đề sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các nhà thầu đang làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác thi công các đoạn tuyến tại những khu vực có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm, dự kiến đến cuối tháng 6 này mới có thể bắt đầu khai thác.
Khi nào đường sắt liên vận Việt Nam đuổi kịp tốc độ phát triển kinh tế?
“Vì vậy, các thông tin như một số báo chí phản ánh là thiếu cơ sở. Để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải.
Trước đó, tại phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đã bác bỏ thông tin cho rằng lúa chết tại Hậu Giang do đất bị nhiễm mặn từ nguồn cát đắp nền dự án cao tốc.

"Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chưa sử dụng một hạt cát biển nào", báo Vnexpress dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Ruộng lúa có độ mặn vượt tiêu chuẩn

Ngày 13/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kết quả đo độ mặn của nước ở ruộng lúa bị ảnh hưởng ở vụ Đông Xuân 2023-2024 là 2,5 phần nghìn, nồng độ mặn của nước ruộng vùng không bị thiệt hại là 0,1 phần nghìn.
Việt Nam tính nhập vật liệu từ Campuchia để làm cao tốc, không xuất khẩu đất hiếm thô
Trong khi đó, tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây lúa là 1,28 phần nghìn. Ước tính, có hơn 3ha lúa hè thu của 9 hộ dân ở Hậu Giang bị ảnh hưởng. Thiệt hại ban đầu vào khoảng 44 triệu đồng, đã được phía nhà thầu hỗ trợ cho người nông dân.
Kiểm tra thực tế diện tích lúa hè thu 2024 ở gần đường thuộc dự án cao tốc Bắc Nam tại UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, ghi nhận một số thửa ruộng có 70% lúa bị chết, một số bị ảnh hưởng 20-50%.
Kết quả đo độ mặn tại ruộng lúa bị chết là 6,6 phần nghìn, tại lòng đường cao tốc là 1,8 phần nghìn, tại kênh thủy lợi là 0,4 phần nghìn.
Từ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể đảm bảo độ nhiễm mặn của nước nơi thi công đúng tiêu chuẩn.
Giữa tháng 6, đồng lúa vụ hè thu hơn 3ha của 9 hộ dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, được khoảng 60 ngày tuổi chậm phát triển, nhiều chỗ ngả màu vàng, suy yếu, có dấu hiệu chết dần. Người dân nghi ngờ đất nhiễm mặn do nguồn cát đắp nền dự án, nhưng phía nhà thầu bác bỏ.
Việt Nam cần tranh thủ “cơ hội cuối cùng” trước khi Nghị viện châu Âu bầu cử
Theo ông Trần Thanh Toàn - Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, khu vực lúa chết nằm sát dự án cao tốc vốn là vùng sinh thái nước ngọt, chưa bao giờ ghi nhận có sự tồn tại của nước mặn. Vừa qua, ngành nông nghiệp cũng đã chủ động phòng chống mặn xâm. Do đó, "lúa chết không phải do thiên tai".
Được biết, tuyến cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đi qua tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, có chiều dài trên 73 km, với số vốn hơn 17.000 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc được khởi công đầu năm 2023, dự kiến khai thác trong năm 2026. Giai đoạn đầu, cao tốc rộng 17 m, có 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường có chiều rộng gần 25 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ nối với đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang (dài 36,7 km), góp phần làm cho hệ thống giao thông miền Tây trở nên thuận lợi, giúp phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực. Tuy nhiên, dự án cao tốc ở đây đang bị chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu đắp nền.
Thảo luận