Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng dùng máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật ngày càng tăng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc phòng, an toàn hàng không. Do đó, theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, việc ban hành luật là cần thiết.
Đại biểu đề cập việc có thể dùng tên lửa vác vai phục kích, áp chế UAV, phương tiện bay không người lái. Tuy nhiên, việc huấn luyện, sử dụng tên lửa vác vai để bắn trúng mục tiêu là rất khó.
Bộ trưởng Phan Văn Giang nói về sự cần thiết của Luật Phòng không nhân dân
Chiều 19/6, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là cần thiết, qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.
Bộ trưởng Giang nêu rõ, phòng không nhân dân là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chỉ đạo quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương.
Thế trận phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ.
“Họat động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta”, - Đại tướng Phan Văn Giang nói.
Dự thảo Luật Phòng không nhân dân được xây dựng gồm 8 chương với 54 điều, gồm các quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng không nhân dân, nhiệm vụ phòng không nhân dân, trọng điểm phòng không nhân dân, hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân…
Dự thảo cũng có riêng một chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lưu ý, ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại cục diện chiến trường.
Từ đó, theo ông, đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng phòng không nhân dân góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.
4 trường hợp được tạm giữ, áp chế UAV
Dự thảo luật nêu rõ 4 trường hợp, cơ quan có thẩm quyền được tạm giữ, thu giữ, chế áp máy bay không người lái (UAV), phương tiện bay siêu nhẹ.
Thứ nhất, bay khi không có giấy phép bay, bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo nhưng vẫn cố tình bay vào.
Thứ hai, xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay, khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay.
Thứ ba, các hoạt động bay nhằm mục đích tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật kahsc.
Thứ tư, sử dụng phương tiện bay siêu nhẹ mang theo các chất cháy, chất nổ, chất gây nổ, vũ khí sinh học hoặc chất cấm.
Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc, nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng nhu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng, công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
“Tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới, mang lại hiệu quả chiến đầu cao”, - Bộ trưởng nói.
Tại Việt Nam, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không. Do đó, việc ban hành luật là rất cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng, việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn hàng không.
Cùng với đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Khó áp chế bằng tên lửa vác vai
Lý giải thêm về lú do dự thảo luật quy định quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m, Bộ trưởng cho hay, do các phương tiện bay dù có siêu nhẹ, có động cơ, bay nhanh, bay chậm thì trong khoảng cự ly này hoàn thành được rất nhiều nhiệm vụ. Nếu cao hơn hiệu quả khác ngay, vì không khí khác, khả năng trúng mục tiêu khác.
“Cho nên chúng tôi xác định tầm như thế. Tầm như thế cũng phải hàng chục năm nữa mới đủ sức trang bị đầy đủ. Sản xuất ra, thử nghiệm cũng phải kiểm tra”, - theo Bộ trưởng.
Giải thích về đề xuât sử dụng tên lửa vác vai trang bị cho lực lượng phòng không bởi hiệu quả cao, có thể phục kích, sử dụng khi xảy ra xung đột, Bộ trưởng cho hay, nếu đưa vào luật cần có thời gian, bởi để sản xuất được tên lửa vác vai là vấn đề rất khó.
Dù đánh giá đây là phương án tốt, nhưng Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, việc huấn luyện sử dụng tên lửa vác vai để bắn trúng mục tiêu cũng rất khó/
Thời cơ bắn trong khoảng2-3s, nếu bắn trước là vượt mục tiêu còn bắn sau không kịp, mà tính toán thời cơ trong 2 giây ấn cò là một bài toàn không hề dễ.
“Người sử dụng phải có kiến thức về quân sự, trình độ về huấn luyện”, - Bộ trưởng cũng lưu ý, phương tiện chiến tranh ngày hôm nay hiện đại, ngày mai có thể đã lạc hậu.
Do đó, ông cho rằng, dự luật không nêu khái niệm cho tiết vì càng chi tiết càng thiếu nhưng cơ quan soạn thảo sẽ xem xét, bổ sung.
Hà Nội là vùng trọng điểm
Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật.
Đối với khái niệm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, có ý kiến đề nghị làm rõ nội dung “cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của người lái” trong khái niệm “Tàu bay không người lái”…
Đồng thời, cần cân nhắc, không liệt kê cụ thể các phương tiện trong khái niệm “Phương tiện bay siêu nhẹ” mà quy định thống nhất với các khái niệm “tàu bay không người lái” gắn với những tính năng, đặc điểm, thuộc tính cơ bản của loại phương tiện này, nhằm phân biệt rõ với khái niệm “tàu bay không người lái” làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết và thống nhất trong quản lý.
Theo cơ quan thẩm tra, xác định các phương tiện bay siêu nhẹ có bao gồm các loại khí cầu bay có người điều khiển hoặc khí cầu bay không có người điều khiển hay không để làm cơ sở cho việc quy định các biện pháp quản lý phù hợp.
Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để quy định cụ thể, bảo đảm tính thống nhất với các nội dung trong dự thảo Luật cũng như tổ chức thực hiện được thuận lợi.
Đối với vấn đề đăng ký, khai thác sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, một số ý kiến cho rằng, điểm c khoản 2 quy định về điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và có kiến thức về hàng không là chưa phù hợp với thực tiễn.
Điều này là do hiện nay tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho các mục đích khác nhau.
Ủy ban QPAN cũng đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng tùy từng loại phương tiện bay để quy định về độ tuổi điều khiển và điều kiện khai thác, sử dụng cho phù hợp, gắn kết hài hòa lợi ích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội.
Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ về điều kiện đăng ký, cấp phép (thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục) quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.
Đồng thời, nghiên cứu phân cấp quản lý cấp phép bay theo từng cấp cho chặt chẽ, thống nhất; Mặt khác, khi cấp phép, đăng ký và quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ cần tính đến yếu tố cự ly, khoảng cách bay để quy định cho phù hợp.
Cơ quan thẩm tra cũng chop biết, Quy định tại điểm a khoản 4 là chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau về các trường hợp được miễn giấy phép bay; nghiên cứu, bổ sung quy định về đăng kiểm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cho phù hợp.
Do đó, theo ông Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với nội dung quy định tại Điều này; tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, rà soát các luật khác liên quan để quy định thống nhất, khả thi.
Còn ý kiến cho rằng, việc xác định các tiêu chí về trọng điểm phòng không nhân dân còn “chung chung” và “thiếu cụ thể”, đồng thời, chưa có tiêu chí để phân định trọng điểm phòng không nhân dân quốc gia, trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Ủy ban QPAN đề nghị tiếp tục làm rõ mối quan hệ, sự khác nhau giữa trọng điểm phòng không nhân dân cấp tỉnh và trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện trực thuộc; bổ sung quy định về trọng điểm phòng không nhân dân cấp xã; bổ sung quy định về mục đích xác định trọng điểm phòng không nhân dân.
“Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung ‘đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt’ là địa bàn trọng điểm phòng không nhân dân cấp huyện; bổ sung quy định thủ đô Hà Nội là trọng điểm phòng không nhân dân”, - Chủ nhiệm Lê Tấn Tới lưu ý.