Vừa được miễn tù, đã bị bắt lại

Cựu Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế Hoàng Văn Đức vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Sputnik
Không lâu trước đó, Hoàng Văn Đức vừa bị đưa ra xét xử do có sai phạm trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ, cho Đức được hưởng khoan hồng đặc biệt, áp dụng điều 59 Bộ luật Hình sự để miễn hình phạt tù cho bị cáo.

Tuồn vaccine vào CDC tỉnh để tiêm cho người dân

Sáng 22/6, báo CAND cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với Hoàng Văn Đức (sinh năm 1970), cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế và Trần Thị Kim Xinh (sinh 1978), cựu Phó trưởng Khoa dược - vật tư y tế CDC Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, cơ quan công an cũng khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Nguyễn Thy Loan (sinh năm 1968, trú tại TP. Huế, Thừa Thiên Huế), nhân viên Phòng kế hoạch – tài chính CDC Thừa Thiên Huế.
Các đối tượng nói trên cùng bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Hà Huy Dũng bị bắt
Bước đầu xác định, từ nửa cuối năm 2020 đến đầu năm 2022, Trần Thị Kim Xinh đã nhiều lần dùng tiền cá nhân mua khoảng 20 loại vaccine với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 10 loại vaccine ngoài hợp đồng đấu thầu giữa CDC Thừa Thiên Huế với các đơn vị cung ứng trúng thầu theo quy định.
Sau đó, Xinh cùng với Đức và Loan “tuồn” số vaccine này vào CDC Thừa Thiên Huế để đem tiêm chủng cho người dân, thu lợi bất chính. Các bị can không nhập thông tin về số tiền bất chính thu được vào hệ thống tài chính của đơn vị, mà cất giữ riêng để tiêu xài cá nhân.

Hoàng Văn Đức vừa được miễn phạt tù

Trước đó, Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật – Kế toán trưởng CDC Thừa Thiên Huế đã bị khởi tố, đưa ra xét xử trong vụ án “Vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, do có liên quan đến các sai phạm trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, từ ngày 4/3 đến 1/9/2020, Hoàng Văn Đức đã ký 8 quyết định chỉ định thầu rút gọn cho 3 nhà thầu là Công ty cổ phần công nghệ y tế Phương Tây, Công ty TNHH Phát Thiện và Nhà thuốc Thành Đạt.
CDC Thừa Thiên Huế Huế đã thanh toán tổng giá trị 8 gói thầu cho các nhà thầu nói trên là hơn 9 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.
Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2 - 3% cho lãnh đạo CDC Thừa Thiên Huế. Đức giao Nhật quản lý số tiền trên. Cuối năm 2020, Nhật lấy 30 triệu đồng, đưa Đức 50 triệu đồng.
Khai báo với cơ quan chức năng, Đức cho biết dùng số tiền trên cho hoạt động “đối ngoại”. Số tiền còn lại Đức nói để chi tiêu cơ quan nhưng không có hóa đơn, chứng từ, sổ sách nào chứng minh nên không biết đã dùng vào việc gì.
Vì sao Tổng giám đốc VEAM Phan Phạm Hà bị bắt?
Tại phiên xét ngày 8/5 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế kết luận Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật có nhận tiền của các doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng nhưng không có thỏa thuận trước, không biết số tiền đã nhận là do phạm tội mà có, đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận.
HDXX ghi nhận tình tiết các bị cáo ở tuyến đầu chống dịch, có thành tích trong phòng chống dịch. Thời điểm phạm tội do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đấu thầu vật tư ý tế cũng là để phòng chống dịch bệnh.
Từ đó, HĐXX nhận thấy các bị cáo xứng đáng được hưởng khoan hồng đặc biệt, áp dụng điều 59 Bộ luật Hình sự để miễn hình phạt tù cho các bị cáo Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật.
Toà cũng áp dụng hình phạt bổ sung là cấm Hoàng Văn Đức đảm nhiệm chức vụ quản lý trong thời gian 1 năm. Trong khi đó, Hà Thúc Nhật bị cấm làm công việc liên quán đến kế toán, tài chính trong thời gian 1 năm. Các bị cáo liên đới bị buộc phải nộp lại toàn bộ số tiền gây thiệt hại cho Nhà nước.
Thảo luận