Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong 5 năm (2018-2022) phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người.
Nếu trong giai đoạn từ 2012-2020 trên 80% số vụ là mua bán người ra nước ngoài, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước. Riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm đến 45% tổng số vụ.
Liên Hợp Quốc xác định mua bán người là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Đại biểu nhận định, thời gian qua, việc mua bán người vẫn tiếp tục diễn ra trên phạm vi toàn cầu với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Pháp luật hình sự Việt Nam chưa quy định đối với mua bán thai nhi
Bà Thu chia sẻ, ngày nay, công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi một chỗ, sử dụng mạng xã hội để kết nối, dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.
Về nội dung cụ thể, bà Thu dẫn báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hằng năm. Đặc biệt thời gian qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.
Việc mua bán thai nhi, theo bà Thu, là hành vi mới xuất hiện, bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý.
Theo bà Thu, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra.
Tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này.
Do đó, theo bà Thu, cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người.
Về hành vi mới là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, bà Phúc nhận định:
“Việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý”.
Theo luật hình sự, khi đứa trẻ được sinh ra mới được coi là người và có quyền công dân, còn bào thai trong bụng mẹ thì chưa được điều chỉnh để xem xét là đối tượng của hành vi phạm tội. Điều đó dẫn đến việc cơ quan chức năng không có cơ sở, căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi.
Đại biểu phân tích, xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội mua bán người. Song thực tế pháp luật chưa quy định nên không có cơ sở xem xét.
Bộ luật Hình sự năm 2015 và pháp luật về phòng chống mua bán người chưa có quy định nào về vấn đề trên. Vì vậy bà Phúc đề nghị xem xét, có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ, trước tình hình mua bán người diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi.
Đại biểu lưu ý, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại…
Do đó, cần xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người. Việc này nhằm kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.
Thai nhi cũng cần được bảo vệ như con người
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đồng tình với ý kiến của đại biểu Khánh Thu, Huỳnh Thị Phúc về việc xem xét bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo luật.
Ông nói thai nhi mặc dù chưa sinh ra nhưng cần được bảo vệ như con người, với đầy đủ các quyền cơ bản. Việc mua bán thai nhi không chỉ vi phạm quyền của thai nhi mà còn là sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.
Việc bổ sung hành vi này vào tội phạm mua bán người sẽ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của thai nhi, phù hợp với các giá trị đạo đức và nhân văn.
"Bảo vệ thai nhi đồng thời cũng là bảo vệ bà mẹ mang thai khỏi những hành vi cưỡng bức, ép buộc phải bán con mình", ông bày tỏ.