Hội nghị WEF Đại Liên 2024 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” được tổ chức tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos với sự tham gia của 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, các mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.
Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến.
Chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, từ ngày 24 đến ngày 27-6.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp. Điều đó thể hiện WEF và Trung Quốc hết sức coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tầm nhìn phát triển của Việt Nam đối với nền kinh tế trong tương lai.
Chuyến công du 4 ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc cũng sẽ diễn ra các hoạt động song phương, trao đổi và làm việc với nhiều lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, các doanh nghiệp và tập đoàn hàng đầu nước này thông qua các sự kiện hợp tác chiến lược về hạ tầng...
Cùng với việc tham dự diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có các hoạt động song phương, làm việc tại Trung Quốc.
Các hoạt động này được đánh giá là có ý nghĩa hết sức quan trọng để tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa nhận thức chung và thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc.