Về nhân sự mới, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải làm Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Đinh Tiến Dũng thôi Đại biểu Quốc hội
Chiều 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Theo kết quả được Văn phòng Quốc hội công bố, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội Khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng với 440/445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 90,35% tổng số Đại biểu Quốc hội.
Trước đó, cuối phiên họp sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Đinh Tiến Dũng, để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về nội dung này.
Ông Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1961, quê ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính từ tháng 6/2013 đến tháng 3/2021. Ông Dũng giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội từ tháng 4/2021.
Như Sputnik đưa tin, từ hôm 19/6, Bộ Chính trị đã đồng ý cho ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 15 của thành phố Hà Nội. Sau đó 2 ngày, Trung ương đồng ý cho ông Dũng thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 theo nguyện vọng cá nhân.
Đến ngày 21/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Đinh Tiến Dũng là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tín nhiệm phân công giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng ở Trung ương và địa phương.
Trung ương cũng ghi nhận, trong quá trình công tác, ông Dũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những đóng góp vào thành tích chung trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nơi công tác.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian làm Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021, ông Đinh Tiến Dũng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc.
Trung ương cũng xác định ông Đinh Tiến Dũng đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để Ban cán sự đảng, Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm.
Những vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông Đinh Tiến Dũng đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Trách nhiệm liên quan của ông Đinh Tiến Dũng cũng đã được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ tại kỳ họp thứ 42 vừa qua.
Bà Nguyễn Thanh Hải được bầu vào Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Tại phiên họp hôm nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành quy trình bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV.
Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thanh Hải – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, Đại biểu Quốc hội khoá XV thuộc đoàn Thái Nguyên, giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV.
Theo tổng kết, nghị quyết về việc bầu giữ chức vụ cũng được biểu quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử với 449/450 đại biểu tham gia tán thành (chiếm 92,2% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi năm 2020 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội Việt Nam.
Uỷ ban này gồm Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ.
Nhiệm kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội bắt đầu từ khi được Quốc hội bầu ra và kết thúc khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.
Bà Nguyễn Thanh Hải là nữ chính trị gia Việt Nam khá nổi bật những năm gần đây. Bà Hải sinh năm 1970 tại Hà Nội, là PGS. TS vật lý.
Bà Nguyễn Thanh Hải là Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XII, XIII; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Khóa XIII (từ tháng 4/2016), XIV (đến tháng 6/2020); Đại biểu Quốc hội: Khóa XIII, XIV, XV.
Trước khi làm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên (từ tháng 6 năm 2020), bà Nguyễn Thanh Hải đã có thời gian dài công tác tại các cơ quan của Quốc hội với các vị trí như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XV hiện có 18 thành viên. Trước đó, như Sputnik đưa tin, cũng ngay tại kỳ họp thứ 7 này, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.