“Gánh nặng quân sự toàn cầu, được định nghĩa là tỷ trọng chi tiêu quân sự trong GDP toàn cầu, đã tăng từ 2,2% vào năm 2022 lên 2,3% vào năm 2023. Chi tiêu quân sự trung bình tính theo tỷ lệ chi tiêu công đã tăng 0,4 điểm phần trăm vào năm ngoái lên 6,9%, năm ngoái cũng là năm chi tiêu quân sự bình quân đầu người toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ năm 1990, ở mức 306 USD”, - báo cáo trích dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) cho biết.
Các chuyên gia lưu ý rằng vào năm 2023 chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng năm thứ 9 liên tiếp, đạt mức tổng cộng 2,443 nghìn tỷ USD.
“Mức tăng hàng năm 6,8% là mức cao nhất kể từ năm 2009 và đẩy chi tiêu toàn cầu lên mức cao kỷ lục”, - tài liệu phân tích.
Trung bình, theo các tác giả, năm ngoái gánh nặng quân sự lớn nhất rơi vào các quốc gia Trung Đông - 4,2% GDP. Tiếp theo là các quốc gia ở châu Âu (2,8%), châu Phi (1,9%), châu Á và châu Đại Dương (1,7%), châu Mỹ (1,2%).
“Mặc dù chi tiêu cho vũ khí và thiết bị quân sự tiên tiến gắn liền với việc tài trợ tích cực cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng chi tiêu cho nhu cầu quân dụng, đạn dược và các mặt hàng khác được tiêu hao nhanh chóng trên thực tế không mang lại giá trị gia tăng. Trong khi đó việc tài trợ cho các khoản mục chi tiêu quân sự ngày càng tăng có thể khiến các chính phủ phải tăng nợ hoặc tăng thuế. Bản thân việc gia tăng đó có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng GDP”, - tài liệu lưu ý.
Nhưng theo các tác giả, rủi ro chính đối với tăng trưởng toàn cầu đến từ quá trình phân mảnh mà nền kinh tế thế giới hiện đang trải qua.
“Các khu vực vĩ mô khác nhau đang nổi lên, cạnh tranh với nhau trong tài chính, thương mại, công nghệ và các ngành công nghiệp liên quan khác. Những xu hướng mang tính chất địa kinh tế đang tạo ra rủi ro đáng kể làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu, giảm lợi nhuận của các công ty và gia tăng lạm phát ở những nền kinh tế lớn nhất”, - báo cáo nhận định.