Với xu hướng thương mại điện tử ngày nay, thống kê của Amazon Global Selling dự báo, giai đoạn 2021-2026 tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ vào khoảng 20%.
Trung tâm sản xuất lớn của thế giới
Diễn đàn “Thương mại điện tử xuyên biên giới”, do Amazon Global Selling và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện được bảo trợ bởi Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông. Tham dự có đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - thuộc Bộ Công Thương, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và thương mại điện tử.
Phát biểu tại đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong vòng 15 năm trở lại đây đã có sự tăng trưởng mạnh về lượng và chất.
“Xếp hạng xuất khẩu của nước ta đã tăng 23 bậc, từ thứ 50 của năm 2007 lên thứ 27 vào năm 2022”, báo Đầu tư dẫn lời ông Trần Thanh Hải nói.
Trong đó, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, là yếu tố quan trọng duy trì nền kinh tế phát triển ổn định trong thời gian qua, đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu đã khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, hình thành xung lực mới.
“Đưa Việt Nam thành một trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới”, ông Trần Thanh Hải bày tỏ.
Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã dần chuyển mình thành nước xuất siêu, tính đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận năm xuất siêu thứ 8 liên tiếp với giá trị gần 30 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2022 được xem là năm lập kỷ lục về xuất nhập khẩu, vượt 730 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lần đầu tiên vượt 371 tỷ USD.
Năm 2023, chịu tác động của kinh tế, thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu tiếp tục được duy trì ổn định, nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu. Trị giá nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước đạt 288,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, thương mại hàng hóa dần hồi phục, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 369,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 14,2%, với 189,5 tỷ USD, nhập khẩu 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,3 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng gắn liền và là hệ quả tất yếu của quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và bền vững.
Hiện Việt Nam hiện đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do ( FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, đồng thời đang và chuẩn bị khởi động đàm phán 3 FTA và khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF).
Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.
Chiến lược dài hạn
Trong bối cảnh thế giới tác động đến thương mại toàn cầu, ông Trần Thanh Hải lưu ý, suy thoái và lạm phát làm tăng trưởng chậm lại, thương chiến Mỹ - Trung và dịch bệnh làm các nước nhận ra không thể quá phụ thuộc vào một nước cố định, vì vậy dẫn đến làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc.
Thêm nữa, chủ nghĩa bảo hộ có chiều hướng tăng lên, các nước sử dụng nhiều rào cản mới để ngăn hàng hóa nhập khẩu từ nước khác, các quốc gia yêu cầu cao hơn về quá trình sản xuất hàng hóa phải cắt giảm phát thải nhằm chống biến đổi khí hậu.
Những yêu cầu này đặt các nhà cung ứng Việt Nam nhanh chóng thích ứng thông qua đầu tư cho sản xuất xanh, tiến tới trung hòa phát thải.
Cạnh đó, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của Việt Nam đã nhận thức rõ bài toán phát triển xuất khẩu bền vững, để đạt tăng trưởng xuất khẩu bình quân 6-7%; nhập khẩu tăng 5-6% giai đoạn 2021-2023, còn cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.
“Cán cân thương mại hiện đang xuất siêu, thậm chí có giai đoạn nhập siêu, dù vậy điều này không bất thường, song quan trọng là không tạo ra dao động quá lớn”, ông bày tỏ.
Về mặt thị trường, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu thị trường châu Âu đạt 17% kim ngạch xuất khẩu, còn châu Á đạt 50%, châu Mỹ đạt 32-22%...
Cùng với đó, Việt Nam vẫn duy trì những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như: dệt may, da giày, tuy nhiên trong những mặt hàng đó phải thúc đẩy gia tăng giá trị.
Việt Nam cũng tập trung nguồn lực để đầu tư sản xuất vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa cũng như khai thác các thị trường tiềm năng, khai thác hiệu quả các FTA, phát triển thương mại bền vững, bảo vê môi trường, hài hòa cán cân thương mại.
Ông Hải nhấn mạnh, việc mở rộng thị trường không chỉ bằng các phương tiện truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà có thể phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số, bên cạnh đó là phát triển logistics hỗ trợ cho xuất nhập khẩu.
Chuyên gia nhận định, thương mại điện tử sẽ là “từ khóa” xuyên suốt trong giai đoạn tới. Đặc biệt, thương mại bền vững không chỉ ở những con số mà còn thể hiện ở các chỉ tiêu khác, như sự tăng trưởng đồng đều, ổn định, đem lại giá trị cho các địa phương, vùng miền, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, không đánh đổi về mặt giá trị xã hội, giữ tài nguyên cho các thế hệ sau này, tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên Amazon
Tại diễn đàn, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Amazon Global Selling cho biết, tính đến tháng 8/2023 đã có hơn 17 triệu sản phẩm từ Việt Nam được bán ra trên sàn thương mại điện tử Amazon.
Doanh thu của nhà bán hàng trong năm 2023 tăng trưởng trên 50%, điều này cho thấy hiệu quả của các nhà bán hàng từ Việt Nam.
Dữ liệu của Amazon cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua.
Để nâng cao được năng lực cạnh tranh, xây dựng được thương hiệu toàn cầu, ông Toàn cho biết doanh nghiệp đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) đào tạo khoảng 10.000 nhân lực cho các doanh nghiệp về thương mại điện tử xuyên biên giới trong vòng 5 năm nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng.
Amazon cũng cung cấp các giải pháp để doanh nghiệp có thể đăng ký và bảo hộ được thương hiệu cũng như có những công cụ giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu ngay trên nền tảng này.
“Kinh nghiệm từ những thương hiệu lớn cho thấy cần bán những sản phẩm mà khách hàng cần, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa để đạt được tiêu chuẩn của thị trường cũng như tập trung xây dựng thương hiệu ngay từ đầu để tiến tới một nền tảng kinh doanh lâu dài”, ông Toàn kiến nghị.