Báo cáo mới về kinh tế Việt Nam
© Depositphotos.com / Vichie81Thành phố Hồ Chí Minh
© Depositphotos.com / Vichie81
Đăng ký
Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế số lớn thứ 2 ASEAN năm 2030, theo Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC.
Tình hình kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện. Theo báo cáo mới, quốc gia Đông Nam Á này vẫn duy trì tiến độ phục hồi khỏi suy thoái thương mại.
Việt Nam có tiềm năng trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ 2 ASEAN vào 2030
Theo báo cáo vừa phát hành mang tên “Vietnam at glance – Khai mở tiềm năng công nghệ số” của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, Việt Nam được dự báo có tiềm năng trở thành nền kinh tế số có quy mô lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2030.
Theo HSBC, sự sôi động trong đầu tư liên quan đến công nghệ số đang diễn ra ở Đông Nam Á. Điển hình, Microsoft đã công bố nhiều khoản đầu tư tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Tại Việt Nam, Alibaba dự định xây một trung tâm dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về công nghệ số.
“Với sự quan tâm lớn dành cho nền kinh tế số đang lên của Việt Nam, cùng dân số hơn 100 triệu người với tỷ lệ trong độ tuổi lao động gần 70%, HSBC nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ đối với tiêu dùng công nghệ số tại đất nước này”, - báo cáo đề cập.
Báo cáo về kinh tế điện tử khu vực Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%.
Xét về tổng giá trị giao dịch (gross merchandise value - GMV), Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia và kỳ vọng sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển, được hỗ trợ bởi tập khách tiêu dùng đang gia tăng.
HSBC lưu ý, không chỉ có thuận lợi về nhân khẩu học, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người dùng internet của Việt Nam cũng giúp mở rộng thị trường công nghệ số.
“Hiện nay, Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet nhờ tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh đã tăng hơn gấp đôi so với cách đây một thập kỷ”, - báo cáo nêu.
Tuy nhiên, dù số lượng người dùng internet tăng trưởng đáng kể, mức độ ứng dụng công nghệ số trong một số lĩnh vực lại chậm lại phía sau.
Dữ liệu 2021/2022 của World Bank cho thấy, Việt Nam đi sau Singapore, Thái Lan và Malaysia về sử dụng các giải pháp thanh toán phi tiền mặt, mặc dù nỗ lực chuyển dịch sang thanh toán số đã tăng tốc từ đó tới nay.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số sẽ có nhiều cơ hội để triển khai trong nhiều lĩnh vực bên cạnh tiêu dùng. Chẳng hạn như thương mại vẫn còn là một ngành sử dụng giấy tờ tương đối nhiều.
“Điều đó có thể gây tăng chi phí và chậm trễ, tạo ra tắc nghẽn trong dòng chảy thương mại”, - HSBC nhấn mạnh.
Thêm nữa, dù cổng thông tin một cửa quốc gia, hệ thống trực tuyến phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về thương mại giữa doanh nghiệp với Chính phủ, ngày càng được sử dụng nhiều hơn, dẫn đến nhiều cải thiện rõ rệt về hiệu quả thông quan nhưng vẫn còn một số tồn tại.
Theo đó, việc sử dụng chữ ký điện tử vẫn còn hạn chế, đồng nghĩa, một số thủ tục vẫn cần được giải quyết bằng giấy tờ. Các biện pháp ứng dụng số hóa khác trong thương mại cho thấy dư địa để chuyển dịch sang hành chính không giấy tờ.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng, một phần khó khăn bắt nguồn từ tỷ lệ người dân hiểu biết về công nghệ còn thấp, làm chậm quá trình phổ biến công cụ số và hạn chế việc sử dụng hiệu quả các công cụ này.
Theo đó, xét về kỹ năng và nhân tài trong lĩnh vực số hóa, theo HSBC, Việt Nam vẫn đang đi sau các nước khác, hạn chế cơ hội tận dụng lợi thế số hóa. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là Chính phủ nhận thức rất rõ những thách thức trên và đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ chuyển đổi số của nền kinh tế.
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hướng tới xây dựng ba trụ cột gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chiến lược quốc gia này đã mở ra nhiều cơ hội trong nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, tỷ lệ hiểu biết về số hóa còn tương đối thấp ở nhóm cư dân nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến cuối năm 2021, Việt Nam có hơn 27.000 hợp tác xã nông nghiệp nhưng mới chỉ khoảng 2.000 trong số đó ứng dụng "công nghệ cao" và công nghệ số trong sản xuất.
Đây là nhóm mà HSBC đánh giá vẫn đặc biệt phụ thuộc nhiều vào các giải pháp tài chính truyền thống.
Một vấn đề quan trọng khác được HSBC nhắc tới là làm sao để đảm bảo nguồn năng lượng bổ sung để tiếp sức cho đà tăng trưởng. Nhắc đến Nghị định 53 được ban hành năm 2022, yêu cầu doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, HSBC nhìn nhận đây là yếu tố mang tính “đóng góp chính”.
Sự gia tăng khối lượng dữ liệu trong nước trong tương lai cho thấy sẽ có thêm nhiều trung tâm dữ liệu mọc lên, có thể là một phần yếu tố trong quyết định xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Việt Nam của Alibaba.
“Điều đó càng nhấn mạnh mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế số và khả năng đáp ứng về mặt năng lượng, vốn đã chứng kiến một số thách thức”, - HSBC nhận định.
Theo ước tính của World Bank, phí tổn kinh tế của các đợt cắt điện tháng 5 và 6 năm ngoái tương đương 0,3% GDP, đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất. Trong bối cảnh nhu cầu điện sẽ còn gia tăng thêm, mở rộng và cải thiện nguồn cung cũng như hạ tầng điện của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Cạnh đó, số hóa mang lại cả những cơ hội lẫn thách thức cho Việt Nam, theo HSBC. Nhằm tận dụng điều kiện thuận lợi về nhân khẩu học và đạt được các tham vọng số hóa, các khoản đầu tư cần được hướng không chỉ vào các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn vào các lĩnh vực nền tảng như giáo dục công nghệ số và hạ tầng truyền thống.
Tuy vậy, trên thực tế, quá trình này không chỉ đang diễn ra ở Việt Nam mà còn trên toàn khu vực ASEAN.
Báo cáo mới về tình hình nền kinh tế
Bàn về tình hình kinh tế Việt Nam, HSBC cho rằng, riêng với ngành nông nghiệp, không hoàn toàn tươi sáng cho tất cả các sản phẩm nông nghiệp.
Trong đó, cà phê, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam, đã chứng kiến giá tăng trên thế giới. Mặc dù xuất khẩu cà phê, về giá trị, tiếp tục tăng nhưng khối lượng lại giảm đáng kể. Chưa kể, sản lượng thu hoạch năm nay có thể giảm xuống mức thấp nhất trong vòng bốn năm trở lại, phản ánh mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các xu hướng khí hậu cũng như tác động của hiện tượng El Nino lên ngành nông nghiệp của ASEAN.
Tình hình gián đoạn thương mại còn diễn ra, chẳng hạn như từ Trung Đông, đặt thêm gánh nặng lên một số ngành hàng.
Dệt may, da giày tiếp tục đi heo hướng ngược lại, theo HSBC, nhiều khả năng là do lượng xuất khẩu nhiều hơn sang châu Âu và các tuyến đường thương mại liên quan.
Trong khi đó, tình hình tắc nghẽn cảng biển ở châu Á cũng đòi hỏi phải giám sát chặt chẽ bởi khả năng tiếp tục tiếp diễn trong ngắn hạn.
“Trong khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức hai con số, tăng trưởng nhập khẩu cũng không kém cạnh, thậm chí có phần nhỉnh hơn”, - HSBC lưu ý.
Nhập khẩu tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kỳ vọng thị trường (HSBC kỳ vọng 19,3%, Bloomberg kỳ vọng 20,0%).
“Trong sự gia tăng trên diện rộng, nhập khẩu năng lượng tăng đáng kể, có thể phản ánh nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết nguồn cung năng lượng trong bối cảnh sản xuất thủy điện gặp điều kiện khó khăn do tình hình thời tiết bất lợi”, - nhóm phân tích nhận định.
HSBC cho rằng, triển vọng dài hạn của Việt Nam chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. FDI duy trì đúng tiến độ để duy trì đà tăng trưởng từ năm 2023.
FDI đăng ký mới từ đầu năm tới nay tăng trưởng hai con số, các dòng vốn gia tăng tập trung trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản.
Một minh chứng cho thấy sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam với nhiều nhà sản xuất chính là Pandora, một thương hiệu trang sức, đã bắt đầu khởi công xây dựng một nhà máy với tổng trị giá 150 triệu USD ở Bình Dương.
Mặc dù lĩnh vực bên ngoài phục hồi tích cực, lĩnh vực trong nước chứng kiến một vài dấu hiệu yếu đi. Tăng trưởng doanh số bán lẻ, thống kê theo tháng có điều chỉnh theo mùa, đã giảm nhẹ trong tháng 5 và số lượng du khách quốc tế hàng tháng cũng hạ nhiệt xuống khoảng 1,4 triệu.
Mục tiêu của năm nay là đạt 17-18 triệu du khách có vẻ hoàn toàn trong tầm tay, tuy nhiên, theo HSBC, Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng khi các nước trong khu vực đã chạy đua trong việc ban hành cơ chế miễn thị thực.
Cạnh đó, HSBC nhận định, lạm phát đòi hỏi giám sát chặt chẽ trong ngắn hạn. Lạm phát chính trong tháng 5 neo ở mức 4,4% so với cùng kỳ năm trước, gần chạm đến trần 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.
Ở đây có một bức tranh khá đa chiều. Trong khi giá gạo giảm so với tháng trước, giá thịt lợn đẩy đà tăng giá thực phẩm nói chung lên.
Mặc dù giá dầu giảm, giá điện tăng, thể hiện trong chỉ số CPI với độ trễ là một tháng, cho thấy, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động hàng hóa.
Thêm vào đó, yếu tố thúc đẩy tăng giá nhập khẩu chính là đồng VND yếu đi. Diễn biến tỷ giá do môi trường lãi suất cao kéo dài ở Mỹ đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải chủ động hơn trong giải quyết áp lực ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số biện pháp bên cạnh điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, chẳng hạn như thông qua nghiệp vụ thị trưởng mở linh hoạt hơn.
“Trong khi rủi ro tăng lãi suất tái cấp vốn trong ngắn hạn gia tăng, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định bởi sự phục hồi kinh tế vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi, một nước đi đòi hỏi sự cân bằng khéo léo”, - HSBC nhận định.