GDP tính chung 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 giai đoạn 2020-2024.
GDP tăng 6,93%
Theo báo Chính phủ, sáng nay 29/6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2024 của Việt Nam tăng trưởng tích cực, ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 giai đoạn 2020-2024.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.
GDP tính chung 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đã tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 giai đoạn 2020-2024.
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,95%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, các tổ chức quốc tế như ADB, OECD, IMF, WB… đều đưa ra dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay. Mức tăng 6,93% của GDP trong quý II là tích cực với tốc độ cao, Tổng cục Thống kê nhận định.
Kiến nghị của doanh nghiệp
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho biết sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi rõ nét trong quý II. Điều này được thể hiện qua việc chỉ số tháng, quý sau cao hơn tháng, quý trước.
"Năm nay không còn thiếu điện, đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu dùng dù nhu cầu cao", báo Vnexpress dẫn lời bà Nga.
Theo bà, tốc độ tiêu thụ tăng cao hơn sản xuất cũng giúp giảm tổn kho, là tín hiệu tích cực cho sản xuất công nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nhất định. Chỉ số sản xuất tăng khá trên nền giảm của năm ngoái, mức tăng cao hơn năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn 2021-2022 và các năm trước dịch Covid-19.
Ngành khai khoáng tiếp tục đà giảm trong nhiều năm gần đây. Một số ngành cho thấy tín hiệu phục hồi chưa rõ nét, như sản xuất xi măng, bia, ôtô xe máy.
Dẫn kết quả khảo sát trên 30.000 doanh nghiệp, bà Nga cho biết, điểm nghẽn lớn nhất trong sản xuất - kinh doanh là thị trường đầu ra đến từ cầu trong nước yếu. Chưa hết, doanh nghiệp còn chịu khó khăn do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, vốn và lãi suất giảm nhưng vẫn cao.
Một số ngành như dệt may, điện tử có số lượng đơn hàng xuất khẩu thấp, lại thêm thiếu lao động tay nghề. Nhu cầu tiêu dùng giảm cũng ảnh hưởng tới ngành sản xuất xi măng và chế biến thực phẩm.
Bà Nga cho biết, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều liên quan tới thị trường đầu ra, vốn, lao động, nguyên vật liệu. Trong đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục có biện pháp kích cầu, tăng xúc tiến thương mại, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn giảm lãi suất cho vay, đơn giảm thủ tục, điều kiện vay vốn. Chính phủ cũng cần có chính sách ổn định giá đầu vào, điều chỉnh thuế, phí, các khoản nộp ngân sách phù hợp.