Chính sách đối nội và đối ngoại, nền kinh tế, quan hệ Nga-Việt - đây là những chủ đề chính trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài”.
Chính sách của mỗi tổng thống đều có những ưu nhược điểm
Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược. Và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tái khẳng định điều đó tại cuộc gặp với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink, người đã đến thăm Việt Nam một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin rời Hà Nội. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tất nhiên, Việt Nam rất quan tâm đến kết quả cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ sẽ kết thúc vào tháng 11 này, rất có thể với chiến thắng của một trong hai ứng cử viên chính: cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Joe Biden. Trang tin Vietnam Briefing phân tích quá trình phát triển quan hệ Việt-Mỹ trong những lĩnh vực khác nhau dưới thời Tổng thống Trump và Tổng thống Biden và đưa ra những dự đoán về những gì có thể được mong đợi trong nhiệm kỳ thứ hai của họ. Trong nhiệm kỳ đầu tại Nhà Trắng, Donald Trump đã đảo ngược hầu hết những tiến bộ mà người tiền nhiệm đạt được trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam: ông đã rút khỏi TPP mà sự tham gia vào hiệp định này có thể mở rộng đáng kể thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ, ông đã dán nhãn thao túng tiền tệ lên Việt Nam. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, hàng Việt vào Mỹ có thể phải đối mặt với mức thuế 10%. Hậu quả tiềm ẩn của chủ nghĩa bảo hộ có thể gia tăng dưới thời Trump là mong muốn của Việt Nam tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại với Trung Quốc để bù đắp những tổn thất trên thị trường Mỹ.
Chính quyền Biden đã thực hiện các bước để mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Joe Biden không tìm cách quay trở lại TPP, nhưng ông thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS), sáng kiến này không đề xuất cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan. Do ông Biden trên cương vị tổng thống Mỹ đã tăng mạnh thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong nhiệm kỳ thứ hai của ông căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ leo thang. Điều này có thể dẫn đến các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ qua một nước thứ ba, đặc biệt là Việt Nam, và gây căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong Chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã xác định Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, đối tác về an ninh và kinh tế, nhưng lập trường biệt lập của ông có thể làm suy yếu các nỗ lực tăng cường hợp tác. Chính quyền Biden cam kết phát triển hợp tác quốc phòng với Việt Nam, nhưng việc Hà Nội tiếp tục mua vũ khí từ Nga có thể dẫn đến những hạn chế hoặc những biện pháp trừng phạt từ Hoa Kỳ, làm phức tạp thêm quan hệ song phương trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn của Trump với Nga cho thấy rằng, nếu ông đắc cử, Việt Nam có thể không phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ vì mua vũ khí của Nga, điều này có thể giúp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc mua sắm vũ khí mà không gặp rắc rối và hậu quả tiềm ẩn khi vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại khó lường của Trump và khả năng ông từ bỏ các cam kết chiến lược rộng lớn hơn có thể làm suy yếu hình ảnh của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có thể làm xói mòn lòng tin và sự hợp tác đã được xây dựng giữa Mỹ và Việt Nam. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Joe Biden, Mỹ và Việt Nam có thể làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng được củng cố bởi lập trường mạnh mẽ của chính quyền Biden trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, quan điểm của Joe Biden về sự can thiệp mạnh hơn vào Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể làm gia tăng căng thẳng và tác động đến chuỗi cung ứng cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực. Như vậy, xét theo bài viết này, mỗi vị tổng thống đều có cả ưu và nhược điểm trong việc xây dựng quan hệ Mỹ – Việt.
Tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc gặp, hai bên đều khẳng định rằng, sự phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định xã hội lâu dài của hai nước thể hiện sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh rằng, phát triển quan hệ ổn định, bền vững, lâu dài với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam sẽ không bị lung lay bởi những sự xúi giục hoặc gián đoạn từ bên ngoài. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Đại Liên (Hội nghị WEF Đại Liên), Thủ tướng Việt Nam đã thảo luận về sự hợp tác phát triển hệ thống giao thông thông suốt, an toàn, bền vững, hiệu quả cao với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc.
Cần phải nới lỏng các hạn chế
Trang mạng Fulcrum của Singapore đăng tải một bài dài về tính hợp pháp của các hạn chế trong việc quan lý đất nông nghiệp. Khoảng một nửa diện tích đất nông nghiệp bị hạn chế về mặt pháp lý bởi vì là đất chuyên trồng lúa, ngay cả khi hộ gia đình quan tâm mong muốn chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây nông nghiệp khác có lợi hơn. Những hạn chế này đã được áp dụng trước thời kỳ Đổi mới và phản ánh mối quan ngại của chính phủ về mối đe dọa đối với an ninh lương thực quốc gia được hiểu là tình trạng thiếu gạo. Đến nay, vấn đề này đã được giải quyết, Việt Nam là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Các hạn chế về quyền sử dụng đất làm giảm năng suất trong trồng trọt, năng suất lao động và thu nhập của nông dân. Do đó, có đủ cơ sở để nới lỏng các hạn chế, tác giả của bài báo lưu ý.
FTA mới và hydro xanh
Tuần này, trong mục điểm báo thưa thớt thông tin kinh tế một cách đáng ngạc nhiên. Maritime Gateway đưa tin Quốc hội Việt Nam cho phép thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Đây là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế. Và Forbes viết về chiến lược chung của Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc sản xuất hydro xanh. Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam được thông qua vào tháng 2 năm 2024. Việt Nam phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ carbon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030, và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Định hướng đến năm 2050, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hydrogen xanh.
Chưa có chuyến bay thuê bao, nhưng Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách Nga
Còn tin tức về hợp tác Nga-Việt khá đa dạng. Cổng thông tin Mos.ru đưa tin, vào năm 2023, khối lượng thương mại song phương giữa Matxcơva và Việt Nam đã tăng hơn 13% và đạt gần 40% trong cơ cấu kim ngạch thương mại toàn Nga. Việt Nam đang có nhu cầu đối với các sản phẩm chế tạo dụng cụ, thiết bị điện, thuốc, thiết bị y tế cũng như mỹ phẩm của các nhà sản xuất Matxcơva. Trong số các sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm, các sản phẩm phổ biến nhất là các sản phẩm dành cho chế độ ăn uống lành mạnh, bánh mỳ và bánh kẹo, chocolate và các sản phẩm thịt. Các phương tiện truyền thông tỉnh Ulyanovsk đưa tin đậm nét về chuyến thăm Việt Nam của đoàn công tác tới tỉnh Nghệ An của Việt Nam kết nghĩa với tỉnh Ulyanovsk của LB Nga. Hai bên đã thảo luận về các kế hoạch hợp tác. Chính phủ tỉnh Ulyanovsk quan tâm đến việc thực hiện các dự án thành lập trung tâm thương mại Việt Nam tại Ulyanovsk và một ngôi làng Nga ở Vinh, cũng như cung cấp nông sản và thực phẩm Ulyanovsk cho Việt Nam. Có triển vọng thiết lập hợp tác trong lĩnh vực chế tạo máy bay, máy công cụ, ô tô, sản xuất vật liệu composite và ngành điện tử.
Trang topwar.ru của Nga viết về hệ thống tên lửa bờ VCM-B với tên lửa hành trình cận âm VCM-01 do Việt Nam sản xuất được Hải quân Nhân dân Việt Nam biên chế và sử dụng. Tên lửa VCM-01 là phiên bản Việt Nam của tên lửa Kh-35UE Nga, phiên bản cơ bản đang được trang bị cho không quân Nga, tổ hợp tên lửa chống tầu Uran và hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal của Hải quân Nga. Chương trình phát triển tên lửa của Việt Nam dựa trên các công nghệ tiên tiến và phần lớn được thực hiện nhờ sự hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Mặc dù sự hợp tác song phương trong lĩnh vức này đã giảm đi trong những năm gần đây nhưng Hà Nội vẫn tích lũy được năng lực cần thiết để tạo ra sản phẩm của riêng mình. Chương trình tên lửa đang được thực hiện với tốc độ nhanh chóng trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông nói riêng và trên thế giới nói chung, tác giả lưu ý. Hiệp hội các công ty du lịch Nga (ATOR) cho biết, mặc dù chưa có các chuyến bay thuê bao thuận tiện sang Việt Nam, các công ty du lịch đang ghi nhận nhu cầu nghỉ dưỡng tại nước này tăng gấp mấy lần, mặc dù Việt Nam vẫn chưa trở thành quốc gia dẫn đầu như trước đại dịch COVID-19. Vào mùa hè, bùng nổ nhu cầu tour du lịch kết hợp: ngoài nghỉ ngơi tắm biển, du khách có thể thực hiện các chuyến du ngoạn không chỉ khắp Việt Nam mà còn sang nước láng giềng Campuchia.