Ông yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, đạo đức văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt là với thế hệ trẻ; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Với Ban Kinh tế Trung ương, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đề nghị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Thường trực Ban Bí thư làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương
Chiều 3/7, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng tham dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí Thư đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nắm chắc tình hình về tuyên giáo, chủ động tham mưu đề xuất về xây dựng đảng, về chính trị, tư tưởng đạo đức.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất xây dựng tổ chức cán bộ; tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong 40 năm đổi mới, góp phần quan trọng xây dựng các văn kiện của Đảng.
Theo ông Lương Cường, trong tình hình mới cần phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn xã hội, kiên định vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx–Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Đặc biệt, Thường trực Ban Bí Thư nhấn mạnh, phải giữ nguyên tắc, kiên định đi đôi với vận dụng đổi mới, phát triển sáng tạo, không giáo điều, bảo thủ, trì trệ, chủ quan nóng vội. Làm tốt hơn nữa nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.
Ông Lương Cường yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung tham mưu chỉ đạo để nâng cao chất lượng công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
"Tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, nhất là truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, đạo đức văn hóa của người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ. Lưu ý phản ứng nhanh hơn, kịp thời hơn nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ”, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phát triển lý luận. Theo ông, “công tác tuyên giáo này rất phức tạp, rất quan trọng, rất khó”. Vì vậy, cần phải rà soát, chuẩn bị thật kỹ chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, ông Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nỗ lực phấn đấu làm tốt nhiệm vụ, công tác của mình, với tinh thần là đã làm tốt rồi, phải làm tốt hơn nữa.
"Phải bám sát đường lối, nghị quyết, chủ trương của Đảng, thự hiện 4 kiên định như Tổng Bí đã nói và đồng chí Thường trực Ban bí thư đã nhắc nhở. Chúng ta phải quyết tâm là thực hiện được phương châm công tác tuyên giáo trong Nghị quyết 13. Đó là tính đảng, tính chiến đấu phải cao hơn, tính giáo dục, tính thuyết phục và hiệu quả trong thực tiễn là phải tốt hơn nữa", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư làm việc với Ban Kinh tế Trung ương
Cũng trong ngày 3/7, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trọng tâm là một số nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm.
Tại buổi làm việc, ông Lương Cường đáng giá cao Ban Kinh tế Trung ương đã bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ được giao trong thời gian qua.
Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt công tác tham mưu chiến lược, góp phần cụ thể hóa các quan điểm, định hướng lớn theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ là then chốt.
Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì xây dựng 17 đề án quan trọng trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia thẩm định hơn 200 văn bản quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh;
Đồng thời, theo dõi, giám sát các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế; chủ động nghiên cứu, hoàn thành các báo cáo định kỳ và đột xuất để triển khai các nhiệm vụ của Đảng, báo cáo về kinh tế vĩ mô phục vụ việc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đặc biệt, Ban Kinh tế Trung ương đã đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường đoàn kết nội bộ, qua đó giúp nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Thường trực Ban Bí thư biểu dương những nỗ lực, sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên, nhân viên, người lao động của Ban Kinh tế Trung ương; đề nghị cơ quan này tiếp tục phát huy những kết quả, ưu điểm, bài học kinh nghiệm; nắm vững, cụ thể hóa và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ theo chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội; khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, ông Lương Cường lưu ý Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác trên lĩnh vực kinh tế - xã hội;
Đồng thời, hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ các đề án mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao; chủ động phối hợp với các cơ quan của Đảng, các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương thực hiện các nhiệm vụ.
Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động nắm tình hình trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới có nhiều biến động; nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Đảng nhằm tận dụng thời cơ thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao trong các tiểu ban phục vụ Đại hội XIV của Đảng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo các vụ, đơn vị đã báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan này từ đầu nhiệm kỳ đến nay; báo cáo những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu, kiểm tra, giám sát các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.