Các doanh nghiệp đồ uống cho biết liên tiếp gặp khó khăn trong những năm qua. Theo họ, việc tăng thuế sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, tạo cơ hội cho hàng lậu, hàng giả, qua đó ảnh hưởng sức khoẻ của người dân.
Doanh nghiệp kêu cứu trước đề xuất tăng thuế với đồ uống có cồn và nước ngọt
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn (bia, rượu) và nước ngọt.
Cụ thể, Bộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình với rượu trên 20 độ lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ sẽ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần mức chịu thuế từ 80% lên 100%.
Trong văn bản phản hồi lại đề xuất của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bia - Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã trình bày những thực tế đáng buồn trong ngành đồ uống.
Theo đó, từ năm 2020 đến nay, dưới ảnh hưởng từ dịch bệnh, xung đột chính trị thế giới, các chính sách hạn chế đồ uống có cồn…, nhiều doanh nghiệp trong ngành chứng kiến sự sụt giảm báo động về chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận.
Chẳng hạn, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, thị trường tiêu thụ trong nước của Heineken Việt Nam đã sụt giảm 2 con số trong năm 2023.
Với Sabeco, doanh nghiệp này sở hữu 26 nhà máy tại 20 tỉnh thành. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Sabeco tăng trưởng âm so với năm 2019 cả về sản lượng, doanh thu; lợi nhuận từ 1 tới 2 con số. Các nhà máy sản xuất trong hệ thống bị kiệt quệ do giá thành đầu vào tăng 20 - 40%, trong khi giá bán ra sản phẩm không thể tăng.
Theo phản ánh của Habeco, sản lượng tiêu thụ năm 2023 của hãng giảm khoảng 30% so với năm 2019, ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động. Công ty liên tục thua lỗ từ nhiều năm nay, và đến cuối năm vừa qua ghi nhận lỗ quý thứ 27 liên tiếp, luỹ kế lên đến 457,7 tỷ đồng.
Chỉ số tồn khó toàn ngành đồ uống năm 2023 ước tính đã tăng 120% so với năm 2022. Trong quý II/2024, ngành đồ uống cũng ghi nhận chỉ số tồn kho tăng gần 128,9%.
Tác động tiêu cực khi tăng thuế đồ uống có cồn và nước ngọt
VBA cho biết, ngành đồ uống là mặt hàng chịu nhiều hạn chế, ít nhất từ 4 Luật lớn: Luật Phòng chống tác hại rượu bia; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thương mại; Luật Quảng cáo, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ cắt giảm thuế giá trị gia tăng không được áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn.
“Nhu cầu tiêu thụ giảm do thu nhập người dân bị ảnh hưởng sau đại dịch. Hệ thống nhà hàng, quán ăn đều ghi nhận lượng khách giảm mạnh dẫn tới phải đóng cửa hoặc cắt giảm nhân viên, giảm quy mô... Kéo theo ảnh hưởng tới cả chuỗi cung cấp, thậm chí tới cả ngành du lịch và ngành nông nghiệp", - VBA trình bày.
Ngoài việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khiến các doanh nghiệp ngành rượu, bia giảm sút sản lượng, các doanh nghiệp còn vật lộn với vấn đề cạnh tranh từ các loại rượu, bia trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Những mặt hàng này vừa gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, vừa tác động xấu đến sức khoẻ con người, lại còn ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chính thống.
Theo VBA, khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả... Việc tăng thuế cũng làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.
Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng thuế sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm bất hợp pháp, dẫn đến việc phổ biến hàng lậu, càng tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu.
"Chưa kể, khi tăng thuế sẽ tạo bất lợi và hàng rào khoảng cách giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, khi doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn về vốn, chi phí sản xuất lớn, thị trường thu hẹp", - VBA nhận định.
Kiến nghị của VBA
Theo VBA, phần đánh giá tác động tại Hồ sơ Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chưa nêu ra những tác động đầy đủ và toàn diện, như vị trí và những đóng góp đáng kể của ngành đồ uống cho xã hội và nền kinh tế nói chung.
Với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các địa phương trên cả nước (hơn 51 tỉnh, thành phố), các doanh nghiệp ngành đồ uống đã tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp tại các nhà máy sản xuất, trong chuỗi cung ứng, dịch vụ từ đơn vị cung cấp nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, logictics,…
Mỗi năm, ngành đồ uống đóng góp khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp nằm top những đơn vị nộp ngân sách hàng đầu tại địa phương, góp phần quan trọng trong phát triển hệ sinh thái công nghiệp.
“Vì đây là một khung pháp lý vô cùng quan trọng đối với ngành đồ uống nên Hiệp hội rất mong rằng, khi Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tác động xây dựng dự án Luật sẽ ưu tiên những nghiên cứu đánh giá đặt vào bối cảnh thực tế, dựa trên các cơ sở khoa học, các báo cáo đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện hơn”, - VBA kiến nghị.
Đồng thời, VBA cũng đề xuất lùi thời hạn và giảm mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cụ thể là lùi thời điểm hiệu lực của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vào năm 2027, thay vì năm 2026 như dự kiến của Bộ Tài chính.