Trước đó, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã kết thúc thành công, với nhiều thành tựu nổi bật trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Kỳ họp thứ 7 đã được chuẩn bị tốt
Theo VOV, chiều 11/7, tại Phiên họp 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết công tác Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cũng như cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo nêu rõ, Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết (trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật). Đồng thời, Quốc hội đã lần đầu cho ý kiến về 11 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác; xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Các nội dung được xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7 bao gồm trong nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Điều này đã tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết nhanh nhiều vấn đề như 1 luật sửa 4 luật, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng, dù Chính phủ chỉ mới trình ra tại kỳ họp.
Các đại biểu cũng thông qua nhiều luật nhất, với tỷ lệ đại biểu tán thành cao nhất, đa số tỷ lệ tán thành đều trên 90%, có luật lên đến 100% đại biểu có mặt tán thành. Điều này chứng tỏ công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 được thực hiện tốt.
Tuy vậy, ông Phương lưu ý vẫn còn có nội dung trình chậm, phải trải qua điều chỉnh nhiều lần, gây khó khăn cho cơ quan thẩm tra của Quốc hội.
Tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 2 đợt
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, đồng thời cho ý kiến 12 dự án luật khác.
Nếu dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thông qua theo quy trình tại một kỳ họp thì Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật ngay tại Kỳ họp thứ 8.
Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 là rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, ông Bùi Văn Cường đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 2 đợt (cách nhau 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất, trước khi trình Quốc hội thông qua.
Như vậy, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ làm việc 24 ngày, khai mạc vào ngày 21/10/2024, bế mạc vào ngày 28/11/2024.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long tán thành tổ chức Kỳ họp thứ 8 thành 2 đợt, thống nhất ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội sẽ họp với nhau sớm hơn các kỳ họp trước, trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 khoảng 1 tháng.
Chính phủ cũng đã thông qua 4 đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp 8, dự kiến trình Quốc hội dự án luật sửa 1 số điều của các luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.