Với đề xuất mới, quỹ bình ổn xăng dầu vẫn tồn tại. Khi giá các mặt hàng xăng dầu biến động bất thường, các bộ ngành liên quan sẽ đánh giá tình hình, có ý kiến gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Nộp số dư quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước
Mới đây, Bộ Công Thương đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Trong hồ sơ, Bộ Công Thương đề xuất không để Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh như hiện nay, mà do Nhà nước nắm giữ.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng việc trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn theo quy định hiện nay là chưa chưa phù hợp với Luật Giá 2023.
Đến nay, đã 8 tháng trôi qua từ khi rút ngắn chu kỳ điều hành giá từ 10 xuống 7 ngày. Thực tế cho thấy biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh cơ bản không lớn. Tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không nhiều, chưa phải dùng đến quỹ để bình ổn giá xăng dầu. Do đó, không cần duy trì quỹ bình ổn giá nữa.
Nói với báo PLO chiều 12/7, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thuý Hiền cho biết, với đề xuất mới, quỹ bình ổn xăng dầu vẫn tồn tại.
Theo đó, quỹ bình ổn tại dự thảo nghị định hiện nay thực hiện theo quy định của Luật Giá 2023, có hiệu lực từ 1/7/2024. Luật Giá quy định có 5 biện pháp bình ổn. Trong đó có biện pháp thứ năm là sử dụng quỹ bình ổn đối với mặt hàng đã thành lập quỹ.
Điều này có nghĩa là, khi giá các mặt hàng xăng dầu biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, các Bộ, ngành có liên quan sẽ đánh giá mức độ biến động giá, mức độ ảnh hưởng kinh tế - xã hội, phương án bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Sau khi có chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Quỹ này không dùng thường xuyên, biện pháp bình ổn là có thời hạn.
Về việc cơ quan nào sẽ quản lý quỹ này, bà Hiền cho biết, dự thảo quy định Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chuyển, nộp số dư quỹ bình ổn vào ngân sách nhà nước.
Để doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu
Ngoài ra, trong hồ sơ, Bộ Công Thương cũng giữ nguyên quan điểm Nhà nước không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước mà để doanh nghiệp (các đầu mối, nhà phân phối kinh doanh xăng dầu) tự tính, tự quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.
Nhà nước chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới, premium bình quân 7 ngày/lần. Từ đó, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như chi phí thuế, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Căn cứ dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Riêng với vùng sâu, vùng xa và hải đảo, được cộng thêm 2%. Tuy nhiên, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý phục vụ việc giám sát.
Việc điều chỉnh xuất phát từ thực tế cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp phải qua quá nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối, mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý Nhà nước công bố rồi làm theo.
Cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm theo cơ chế thị trường, trên tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, áp dụng giá thị trường với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ tham gia điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (bao gồm thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.
Theo quy định, xăng dầu là một trong 9 loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá. Do đó, cần có cơ chế quản lý nhằm thực hiện Nghị quyết trên.
Dự thảo mới cũng giữ nguyên quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ quan quản lý có giải pháp kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý vi phạm, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ ban hành quy định thương nhân phân phối không được mua bán xăng dầu với nhau. Điều này là để tránh tình trạng mua chéo, tạo trung gian, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.