"Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc"

HÀ NỘI (Sputnik) - Sáng 15/7, phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thời gian tới cần các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Sputnik
Cụ thể, bốn năm qua, Việt Nam đã áp dụng chính sách tài khóa mở rộng là giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh gần 200.000 tỉ đồng/năm.
“Chúng ta đã hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế theo các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn. Theo đó, chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến 184 nghìn tỷ đồng trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn”, Bộ trưởng nói.
Trong khi đó, Nhà nước đang cần tăng cường năng lực cho tài chính công để đầu tư cho cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, an sinh xã hội, cải cách tiền lương… Nên chính sách tài khóa thắt chặt sẽ được áp dụng.
Doanh nghiệp bia rượu nước ngọt lo bị sốc khi áp thuế 100%
Theo ông Phớc, bắt đầu từ năm 2025 thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, không giảm thuế mà tập trung vào tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Đây mới là mục tiêu tăng trưởng bền vững.
“Tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Một trong những nguyên nhân của thực tế này do khó khăn, ách tắc chính sách”, ông Phớc nhận định.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Phớc cho rằng giải pháp quan trọng là thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 28,8%.
Trong khi đó, các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án... vô cùng ách tắc. Nên nếu không tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ rất khó thúc đẩy kinh tế phát triển.
“Do chậm giải ngân, số tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỷ đồng trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao là sự lãng phí. Thậm chí, nhiều địa phương không muốn thực hiện dự án vay vốn ODA do gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, tôi đề nghị, các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, ông Phớc cho biết.
Hôm nay Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao đăng đàn trả lời chất vấn nhiều vấn đề "nóng"
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính đề nghị đơn vị trực thuộc thúc đẩy tháo gỡ khó khăn lĩnh vực bất động sản. Theo ông Phớc, nếu không khơi thông lĩnh vực bất động sản, nền kinh tế nguy cơ chậm phát triển.
Theo số liệu chưa đầy đủ, tiền nợ sử dụng đất gần 100.000 tỷ đồng, gây thất thu ngân sách, không chỉ lãng phí nguồn lực xã hội mà còn tạo ra lãng phí nguồn lực doanh nghiệp. Người dân nộp tiền nhưng không được giao đất. Trong khi đó, doanh nghiệp thu tiền đất, phá sản, thậm chí đi tù. Bộ Tài chính đang đề xuất, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới có quyết định giao đất.
Thảo luận