Việt Nam truy nã luật sư của bà Trương Mỹ Lan, nhờ Trung Quốc, Anh tương trợ tư pháp

Bộ Công an Việt Nam đã phát lệnh truy nã Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Anh và Bắc Ireland), là luật sư, đại diện cho Trương Mỹ Lan quản lý các công ty, tổ chức nước ngoài thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.
Sputnik
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp tới Trung Quốc, Hong Kong và 2 vùng lãnh thổ thuộc Anh để xác minh pháp lý và mối quan hệ của 11 tổ chức, hai cá nhân trong vụ án bà Trương Mỹ Lan - cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Truy nã luật sư của bà Trương Mỹ Lan

Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn thành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm về 3 nhóm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Theo báo Công an nhân dân, liên quan đến vụ án này, cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn kèm yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự gửi nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa; Cục Tư pháp đặc khu kinh tế Hong Kong; Tổng trưởng lý các quần đảo British và Cayman thuộc Anh.
Trong đó, phía Việt Nam đề nghị các quốc gia, vùng lãnh thổ trên phối hợp xác minh về pháp lý của 11 tổ chức và giám đốc đại diện của họ; đặc biệt là quan hệ của 11 tổ chức này với vợ chồng Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric); mối quan hệ giữa các tổ chức trên với một số tổ chức, cá nhân tại Việt Nam…
Vạch thêm tội bà Trương Mỹ Lan
Ngoài ra, cơ quan CSĐT Bộ Công an cảnh sát còn đề nghị tương trợ tư pháp, xác minh đối tượng tên Chiu Bing Keung Kenneth, Chen Yi Chung về các nội dung liên quan vụ án Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên đến nay, các yêu cầu tương trợ tư pháp chưa có kết quả.
Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.
Liên quan tới hành vi này, cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Anh và Bắc Ireland). Người này là luật sư, đại diện cho Trương Mỹ Lan quản lý các công ty, tổ chức nước ngoài thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát.
Nhà chức trách cáo buộc, bị can Chiu Bing Keung Kenneth đã tạo lập loạt hợp đồng khống giữa các công ty trong nước với công ty nước ngoài để làm hồ sơ chuyển tiền đi và ngược lại.
Bà Lan khai nhận, khi cần tiền chuyển ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, Trương Mỹ Lan giao cấp dưới cùng Chiu Bing Keung Kenneth lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, góp vốn, tư vấn, vay nợ giữa các công ty ở Việt Nam và công ty, tổ chức nước ngoài.
Theo chỉ đạo của Lan, các đối tượng thuộc Vạn Thịnh Phát đã phối hợp với nhân viên SCB thực hiện chuyển tiền, nhận tiền quốc tế.
Dù đa số hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện, các bị can có thẩm quyền tại SCB như Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB), Bùi Ánh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) vẫn duyệt cho chuyển tiền trên hệ thống để hoàn tất chuyển tiền quốc tế.
Từ năm 2012 đến năm 2022, các công ty con của Vạn Thịnh Phát đã sử dụng 23 công ty (12 công ty thành lập, đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và 11 công ty, tổ chức nước ngoài) để thực hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.
Trong đó, có 21/23 công ty nói trên đã thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật, với số tiền tương đương 1,5 tỷ USD và 52 giao dịch nhận 3 tỷ USD.
3 nhân vật đã chết trong vụ Trương Mỹ Lan bị kê biên tài sản
Bị can Chiu Bing Keung Kenneth bị cáo buộc đã giúp bà Trương Mỹ Lan tiến hành vận chuyển 1,49 tỷ USD tương đương với 34.216 tỷ đồng. Hành vi này đã phạm vào tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, quy định tại khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hiện người đàn ông quốc tịch nước ngoài nói trên đã xuất cảnh, không rõ đang ở đâu. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, tạm đình chỉ điều tra, sẽ xử lý sau khi bắt được đối tượng.
Cơ quan tố tụng đã đề nghị tương trợ tư pháp tới Hong Kong và Anh, nhằm xác minh Chiu Bing Keung Kenneth với Chen Yi Chung, về các nội dung liên quan vụ án. Tuy nhiên, các yêu cầu tương trợ tư pháp hiện chưa có kết quả.

Thủ đoạn lừa đảo trái phiếu của các bị can

Với hành vi lừa đảo nhà đầu tư mua trái phiếu, nhà chức trách xác định, từ tháng 8/2018, Ngân hàng SCB bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, lại thêm gặp phải tình hình nợ xấu kéo dài.
Do đó, bà Trương Mỹ Lan đã có chủ trương và họp với 5 nhân sự chủ chốt là Hồ Bửu Phương (Phó tổng Giám đốc Vạn Thịnh Phát); Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TVSI) và 3 lãnh đạo SCB: Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành; Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Phương Hồng, nhằm để bàn cách "cứu vãn tình thế".
Tại cuộc họp, nhóm bà Lan đã quyết định chọn các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Sau cuộc họp, Trương Mỹ Lan và những cá nhân trên đã chọn ra 4 công ty, gồm: Công ty An Đông; Công ty Quang Thuận; Công ty Sunny World và Công ty Setra, để phát hành trái phiếu “khống”.
FWD Việt Nam khẳng định không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan
Theo đó, 4 công ty này phải huy động hơn 30.800 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu “khống”, qua đó tạo dòng tiền “khống” nhằm hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty cùng hệ sinh thái.
Sau đó, 8 công ty này tiếp tục mua lại số trái phiếu nói trên của 4 công ty, phát hành dưới dạng trái phiếu riêng lẻ để bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục nghìn nhà đầu tư.

“Đánh úp” hơn 30.000 nhà đầu tư

Cuối năm 2018, tại Công ty An Đông, nhóm thuộc cấp của Trương Mỹ Lan đã phát hành gần 250 triệu trái phiếu khống với thời hạn 5 năm, sau đó bán cho 5 công ty cùng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Tiếp đó, 5 công ty này tiến hành các giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái phiếu qua lại với nhau và với các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát rồi chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty Chứng khoán TVSI để bán ra thị trường cho 30.738 nhà đầu tư, qua đó thu về hơn 25.300 tỷ đồng.
Cho đến nay, Công ty An Đông vẫn còn dư nợ 24.969 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Tương tự, Công ty Sunny World phát hành 24 triệu trái phiếu, với tổng giá trị 2.400 tỷ đồng, hiện còn dư nợ 1.600 tỷ đồng của 6 nhà đầu tư, không có khả năng thanh toán.
Công ty Quang Thuận cũng phát hành 15 triệu trái phiếu, có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng. Đến nay, công ty còn nợ 1.500 tỷ đồng của 2.649 nhà đầu tư
Bà Trương Mỹ Lan rửa tiền hơn 450 ngàn tỷ, sao Cục Phòng chống rửa tiền không phát hiện?
Công ty Setra phát hành 20 triệu trái phiếu, tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, còn dư nợ 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.
Với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu “khống” phát hành, nhóm bà Trương Mỹ Lan đã huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư thứ cấp, thu về tất cả hơn 30 nghìn tỷ đồng. Các đối tượng sử dụng số tiền này vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, từ đó mất khả năng thanh toán.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan được xác định người đưa ra chủ trương, giữ vai trò cao nhất, chỉ đạo mọi hoạt động.
Thảo luận