Tất cả các nước có thể tạm chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên và lớn nhất (112 nước) là những nước mà cơ quan tài chính không công khai lên tiếng chống lại đồng đô la và không đưa ra bất kỳ biện pháp hạn chế nào. Nhóm này bao gồm các quốc gia thậm chí còn sử dụng USD làm đồng tiền chính thức: ví dụ: Panama, Quần đảo Marshall, Ecuador, El Salvador và một số quốc gia nhỏ khác.
Nhóm thứ hai (31 nước) là những nước đang tích cực chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia với các đối tác thương mại của họ hoặc hạn chế lưu thông đồng đô la trong nước do lo ngại về sự ổn định tài chính. Cuối cùng, nhóm còn lại (50 nước khác) là những quốc gia công khai phản đối đồng đô la và kêu gọi phần còn lại của thế giới cùng nhau làm suy yếu quyền bá chủ của đồng tiền này.
Những nước mới tham gia liên minh chống USD
Trong số những nước tuyên bố đấu tranh chống lại đồng đô la Mỹ năm nay thì tiếng nói của Zimbabwe là lớn nhất. Nền kinh tế của nước này đã gây sốt trong vài năm nay: trong bối cảnh đồng nội tệ mất giá hoàn toàn, gần 80% giao dịch trên lãnh thổ nước này được thực hiện bằng đô la. Để chống lại tình trạng lạm phát cao và đảm bảo sự ổn định tài chính, Zimbabwe vào tháng 4 đã công bố chuyển đổi sang một loại tiền tệ quốc gia mới có tên là Zimbabwe Gold, hay ZiG. Theo kế hoạch vào năm 2026 nó sẽ trở thành phương tiện thanh toán duy nhất ở nước này.
Vào mùa xuân Maldives bắt đầu đẩy nhanh việc từ bỏ đồng đô la. Đại diện Bộ Kinh tế nước này cho biết họ đang đàm phán với Ấn Độ và Trung Quốc để chuyển thanh toán thương mại sang đồng nội tệ nhằm tránh phải trả tiền nhập khẩu hàng bằng USD. Burkina Faso, Nigeria, Cộng hòa Congo và Sudan cũng đang đặt hy vọng vào việc sử dụng đồng tiền quốc gia một cách tích cực hơn trong trao đổi thương mại.
Ngay cả Argentina cũng đã giảm bớt những lời hùng biện về tiền tệ của mình: vào cuối năm ngoái có khả năng rất cao là nước này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên sau 14 năm chuyển sang dùng USD làm đồng tiền quốc gia. Tổng thống mới đắc cử Javier Miley đã tích cực ủng hộ việc này. Tuy nhiên sau đó ông đã sửa đổi cách tiếp cận của mình để giải quyết các vấn đề kinh tế, nói rằng việc chuyển đổi sang đồng tiền Mỹ không phải là mục đích tự thân của đất nước. Đồng thời nước này bắt đầu tích cực giao dịch bằng đồng tiền quốc gia với các đối tác lớn nhất của mình, chẳng hạn như Brazil và Trung Quốc.
Tầm quan trọng của đồng đô la đối với nền kinh tế toàn cầu
Bất chấp thực tế ngày càng có nhiều đại diện của cộng đồng thế giới đang trên đà phi đô la hóa, đồng tiền quốc gia của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Cụ thể theo dữ liệu mới nhất từ hệ thống thanh toán liên ngân hàng lớn nhất SWIFT, “đồng tiền Mỹ” chiếm 47,89% tổng giá trị thanh toán thông qua hệ thống này. Theo sát đằng sau là đồng euro với tỷ lệ bằng một nửa của USD - 22,85%.
USD tiếp tục là đồng tiền dự trữ quan trọng: theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các quốc gia giữ 58,85% số tiền tiết kiệm của mình bằng loại tiền này. Tuy nhiên, con số này hiện không phải ở mức cao nhất - 10 năm trước nó cao hơn một chút (63,04%).