Theo quy định, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những chức danh khi từ trần sẽ được tổ chức Lễ Quốc tang. Vậy, Quốc tang ở Việt Nam diễn ra như thế nào?
Sẽ có Thông cáo đặc biệt về Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ trần vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau thời gian lâm bệnh.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có Thông cáo đặc biệt về tổ chức Lễ Quốc tang đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Quy định việc tổ chức lễ Quốc tang của Việt Nam được thực hiện theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang tại Việt Nam gồm có cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, Tổng Bí thư là một trong những chức danh khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang.
Tại Việt Nam, Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế.
Về việc tổ chức Lễ Quốc tang
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 105/2012/NĐ-CP, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Lễ tang Nhà nước, gồm từ 25 đến 30 thành viên đại diện Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, cơ quan nơi người từ trần đã hoặc đang công tác, đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương hoặc nơi sinh của người từ trần.
Trưởng Ban Lễ tang Nhà nước là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ban Lễ tang Nhà nước có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức Lễ Quốc tang theo quy định.
Về thời gian, nghi thức để Quốc tang, quy định nêu rõ, thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 2 (hai) ngày.
Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng: Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà Tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh).
Về lễ an táng, theo quy định, sẽ được thực hiện tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội; Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, đã trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, như: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến khóa XIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khóa XI đến khóa XIII.
Trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho Đảng và dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.