Trước đó, hãng này thông báo về 64 trường hợp tử vong.
"Chiều tối thứ Sáu, số người chết trong các cuộc biểu tình phản đối của sinh viên đang sôi sục ở Bangladesh đã lên tới 75 người, theo thống kê của AFP về số nạn nhân thương vong tại các bệnh viện trên cả nước", AFP viết.
Các cuộc biểu tình phản đối hệ thống hạn ngạch dành cho công chức Nhà nước đã diễn ra ở Bangladesh trong mấy tuần qua và ngày càng gia tăng trong tuần này sau khi cảnh bạo lực nổ ra trong khuôn viên Đại học Dhaka hôm thứ Hai giữa những người biểu tình, cảnh sát và các nhà hoạt động sinh viên ủng hộ Chính phủ. Sau cái chết của 6 người ở Bangladesh hôm thứ Ba, Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa các trường đại học trên cả nước còn cảnh sát thì đột kích vào trụ sở của đảng đối lập chính.
Những người biểu tình đang yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch, vốn dành tới 30% việc làm trong hệ thống Nhà nước cho thành viên gia đình các cựu chiến binh đã chiến đấu trong Chiến tranh giành độc lập năm 1971 của Bangladesh. Người biểu tình khẳng định rằng hệ thống này mang tính phân biệt đối xử và chỉ đem lại lợi ích cho những ai ủng hộ Thủ tướng Sheikh Hasina, người của đảng "Liên đoàn Awami" đã dẫn đầu phong trào vì độc lập và bây giờ họ muốn thay thế hệ thống này.
Chính phủ Bangladesh đã đình chỉ hiệu lực của hạn ngạch sau các cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên năm 2018, nhưng tháng trước, Tòa án tối cao của nước này đã lật lại chỉ thị đó và quyết định khôi phục chế độ hạn ngạch sau khi thân nhân của các cựu chiến binh năm 1971 nộp đơn khiếu nại. Kể từ đó, ở Bangladesh dấy lên làn sóng biểu tình mới. Tòa Thượng thẩm tuyên bố ngừng hiệu lực quyết định của Tòa án Tối cao và như đang chờ đợi sẽ ra phán quyết dứt khoát vào ngày 7 tháng 8. Chính phủ Bangladesh cũng kháng cáo quyết định của Tòa án Tối cao.