Các bác sĩ trực tiếp điều trị cho Tổng Bí thư ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm việc đến hơi thở cuối cùng.
Làm việc đến hơi thở cuối cùng
Như Sputnik thông tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào chiều 19/7.
Theo lời kể của các y bác sĩ Bệnh viện 108, những ngày cuối cuộc đời, dù sức khoẻ yếu dần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn duy trì lịch làm việc bận rộn, sáng nghe trợ lý báo cáo, chiều họp với các lãnh đạo Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Phương Đông, bác sĩ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư nhiều năm qua ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khẳng định: “Tổng Bí thư đã làm việc đến hơi thở cuối cùng”.
Theo Thiếu tướng Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong những ngày cuối sức khỏe yếu dần đi, Tổng Bí thư vẫn duy trì cường độ làm việc. Mặc dù Hội đồng chuyên môn đã tiên lượng được sức khỏe của Tổng Bí thư nhưng vẫn vô cùng bất ngờ trước sức làm việc của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
“Ấn tượng đó khiến chúng tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé. Tổng Bí thư đã truyền lại cho chúng tôi năng lượng để chúng tôi tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa”, - ông Song bày tỏ.
Hàng ngày khoảng 9h-9h30, Tổng Bí thư sẽ nghe các trợ lý, thư ký báo cáo tình hình công việc.
Sau 10h30 và buổi chiều, ông tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ngồi đọc và nghiên cứu tài liệu khi sức khỏe cho phép.
“Ngày 13/7, Tổng Bí thư vẫn làm việc nhưng đến chiều chúng tôi phải đặt ống thở máy. Giây phút cuối cùng biết không thể cứu bác, chúng tôi cảm thấy mình như sắp xa một người cha, một người ruột thịt, nhiều người bật khóc”, - ông Đông chia sẻ.
Theo TTXVN, để chăm sóc sức khỏe cho Tổng Bí thư, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã mời các chuyên gia y tế (trong và ngoài nước) hội chẩn, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho Tổng Bí thư.
“Chúng tôi thấy rất buồn, trống vắng, hụt hẫng, tiếc thương như mất đi điều gì đó thiêng liêng không thể tả nổi. Chúng tôi vô cùng thương tiếc một người vĩ đại như bác và tiếc không thể làm gì hơn được cho bác”, - PGS.TS Nguyễn Phương Đông bộc bạch.
“Bệnh nhân đặc biệt”
Tướng Song kể, tất cả cán bộ bệnh viện luôn dành tình cảm trân quý, kính trọng với Tổng Bí thư và bất kỳ lúc nào cũng nhận được bài học từ Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư là “bệnh nhân đặc biệt”, bởi ông là người luôn luôn phối hợp, tuân thủ trong công tác điều trị và hài lòng, yên tâm với trình độ, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ nhân y tế của bệnh viện.
Tổng Bí thư là một vi lãnh đạo cao cấp của Đảng nhưng không bao giờ cho mình đứng ở vị trí cao mà rất gần gũi.
Đồng chí Tổng Bí thư là người trách nhiệm, kiên cường vượt qua những khó khăn về sức khỏe để cống hiến, có nhiều quyết sách mang tính chất lịch sử, được đưa ra vào thời điểm quan trọng, quyết định vận mệnh quốc gia.
“Với chúng tôi, đây là bài học lớn để giúp chúng tôi có thêm động lực, thêm năng lượng, phải quyết tâm cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội; chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng với con người giản dị như Tổng Bí thư”, - Giám đốc Bệnh viện 108 xúc động nói.
Sau mỗi lần Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương hội chẩn, xin thông qua với Tổng Bí thư phương án điều trị, sử dụng các kỹ thuật chăm sóc, Tổng Bí thư đều nói một câu rất ấm lòng “Tuân chỉ”.
“Điều ấy giúp chúng tôi tự tin hơn”, - lãnh đạo Viện 108 khẳng định, Tổng Bí thư chưa bao giờ khó chịu với việc chăm sóc của nhân viên y tế, luôn kiên trì điều trị và tuyệt đối tuân thủ chỉ định của đội ngũ chăm sóc.
Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc sức khoẻ cho Tổng Bí thư trong 4-5 năm qua chia sẻ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người rất giản dị, mộc mạc, hiền lành, để lại cho các y, bác sỹ nhiều yêu thương, nhiều cảm xúc.
“Bác rất quan tâm đến đời sống anh chị em trong khoa. Khi gặp chúng tôi, Tổng Bí thư luôn hỏi han xem con cái chúng tôi đi học thế nào, các cháu bao tuổi, có khó khăn gì không. Những lúc bác ngồi ngắm sông và đi bộ ngoài hành lang của khoa, đi bộ buổi sáng và tối, bác luôn nói chuyện vui vẻ. Bác gắn bó với chúng tôi như gia đình, bác như người cha, người chú. Bác luôn thông cảm với sự vất vả của y, bác sĩ tại đây; thăm hỏi, động viên chúng tôi cố gắng làm sao chăm sóc tốt nhất cho bác. Chúng tôi ở bên cạnh bác, học tập được tấm gương của bác sự hiền hậu, tận tụy với công việc”, - nữ điều dưỡng tâm sự.
“Bác để lại rất nhiều tình thương”
Thiếu tá Hồng cũng đặc biệt khâm phục sức làm việc phi thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông không dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Khi tỉnh giấc, ngoài lúc uống trà buổi sáng, tập thể dục, Tổng Bí thư đều sẽ đọc báo, làm việc, tiếp khách. Khi nào mệt, Tổng Bí thư sẽ đề nghị được nghỉ ngơi.
Theo cán bộ Bệnh viện 108, trong thời gian theo dõi sức khoẻ ở đây, phía ngoài căn phòng điều trị, một bộ bàn ghế gỗ được sắp xếp ở hành lang để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi thư giãn.
Mỗi ngày, ông sẽ ngồi đây ngắm sông Hồng lúc bình minh và hoàng hôn, nói chuyện thời sự, hoặc trò chuyện vui vẻ với các y bác sĩ. Đôi lúc ông cũng rất hài hước, thích đọc thơ về phong cảnh, cuộc sống, kể về thời đạp xe trên triền đê quê mình.
Điều dưỡng kể, khi đi bộ dọc hành lang bệnh viện, ông rất thích hát bài Bài ca Bắc Sơn. Các y bác sĩ trong ca trực sẽ tập và hát cùng ông vài câu, như “Bắc Sơn nơi đó xa trường xưa, Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu... Không khí rộn cả góc hành lang”.
Món ăn yêu thích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là ăn kẹo lạc mầm, sữa chua. Trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có lọ kẹo. Khi ăn cơm, dù có bớt lại một phần cơm hay thức ăn trong khẩu phần, nhưng lúc nào Tổng Bí thư cũng ăn hết phần sữa chua.
Khi Tổng Bí thư mất đi, mọi người trở lại căn phòng nơi bác nằm, những nếp quen, thói quen sinh hoạt hàng ngày, những hoạt động chăm sóc Tổng Bí thư mỗi ngày vẫn hiện hữu trong tâm trí mỗi cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện 108.
“Bác đã để lại cho chúng tôi rất nhiều tình cảm thương yêu và một tấm gương rất cao cả của người chiến sĩ cách mạng. Những giây phút cuối đời của Tổng Bí thư, tất cả cán bộ nhân viên chúng tôi đều cố gắng nén đau buồn vào trong cố gắng làm thế nào trọn vẹn với Tổng Bí thư, để những người chung quanh nhìn vào thấy chúng tôi mạnh mẽ, lo cho Tổng Bí thư trọn vẹn”, - Thiếu tá Hồng nói.
Như Sputnik đưa tin, linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Lễ viếng được tổ chức từ 7h đến 22h ngày 25/7 và 7h đến 13h ngày 26/7; lễ truy điệu 13h ngày 26/7.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ an nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.