Động thái “gia hạn nợ” là nhằm thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ hãng hàng không quốc gia vượt qua hậu quả của đại dịch COVID-19.
Gia hạn nợ cho Vietnam Airlines
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 42 ngày 22-7, mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN).
Động thái trên nhằm thực hiện Nghị quyết số 142 của Quốc hội, cho phép Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần đối với dư nợ tái cấp vốn của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay.
Theo thông tư mới ban hành, khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 5 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 6 năm.
Trước đó, vào tháng 11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Quốc hội đã thông qua gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Trong đó, 4.000 tỷ đồng là khoản vay tái cấp vốn với lãi suất 0% qua 3 ngân hàng thương mại SeABank, MSB, SHB và 8.000 tỷ đồng là để tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu.
Nghị quyết số 142 của Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai giải pháp về cho vay tái cấp vốn.
Các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát để thực hiện giải pháp này bảo đảm đúng quy định.
Động thái của Ngân hàng Nhà nước thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ hãng hàng không quốc gia vượt qua hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19.
Vietnam Airlines đang làm gì để thoát nợ?
Vietnam Airlines cũng lên kế hoạch thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất trong năm nay, giúp mang về nguồn thu khoảng 1.700 tỷ đồng.
Nhờ thương vụ này và lợi nhuận các công ty con khác cải thiện, hãng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trên 4.230 tỷđồng.
Đến cuối năm 2023, Vietnam Airlines đã thanh toán 220 tỷ đồng lãi vay cho 3 ngân hàng thương mại SeABank, MSB, SHB.
Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng, thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng.
Đây là các mức cao nhất từ trước đến nay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Thời điểm đạt đỉnh doanh thu năm 2019, công ty chỉ ghi nhận nguồn thu khoảng 72.980 tỷ đồng và hợp nhất 99.099 tỷ đồng.
Trước đó, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa, dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietnam Airlines trong nửa đầu năm 2024 đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Dù vậy, quý II chỉ ghi nhận thêm khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận, dù là mùa cao điểm du lịch hè.
Ông Hòa bày tỏ hy vọng rằng công ty sẽ dần khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu, xoá bỏ lỗ lũy kế và trở lại tình hình tài chính lành mạnh như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) đã ghi nhận giảm sàn liên tục ba phiên 19/7, 22/7 và 23/7.
Trong đó, phiên 24/7, HVN tiếp tục giảm 4% và kết phiên hôm nay 25/7, cổ phiếu này tiếp tục giảm sàn xuống 20.200 đồng/cp, với 7,3 triệu cổ phiếu được sang tay, dư bán hơn 187 nghìn đơn vị.