Các địa phương trong diện điều tra gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Cần Thơ…
Việt Nam điều tra tiền lương 3.400 doanh nghiệp ở 18 tỉnh
Trong tháng 8-9, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) sẽ quyết định điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp năm 2024 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, làm căn cứ xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2025.
“Việc điều tra này nhằm thu thập các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương trong doanh nghiệp”, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Kết quả điều tra này sẽ được cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia; đồng thời, phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động, để doanh nghiệp, người lao động tham khảo, làm cơ sở thương lượng tiền lương.
Việc điều tra sẽ được tiến hành tại 3.400 doanh nghiệp của 18 tỉnh, thành phố, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.
Vùng đồng bằng Sông Hồng có TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc; Vùng Đông Bắc có tỉnh Quảng Ninh; Vùng Tây Bắc: Tỉnh Hòa Bình; Vùng Bắc Trung Bộ, Bộ sẽ điều tra tại các tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An; Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ điều tra ở TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa; Vùng Tây Nguyên có tỉnh Đắk Lắk; Vùng Đông Nam Bộ sẽ điều tra ở nhiều nơi như TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Tỉnh Long An, TP Cần Thơ.
Doanh nghiệp diện điều tra được thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2023, đến thời điểm điều tra vẫn đang hoạt động.
Quy mô lao động doanh nghiệp thuộc 3 nhóm từ 10 đến dưới 100 người, 100 đến dưới 300 và từ 300 người trở lên; thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài, nhà nước và ngoài nhà nước; đại diện ba nhóm ngành nghề nông lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Theo nhà chức trách, có khoảng 6.800 lao động làm việc trên một năm, giữ vị trí chức danh khác nhau trong doanh nghiệp sẽ được điều tra.
Những địa phương có số lượng doanh nghiệp được khảo sát nhiều là Hà Nội với 700 doanh nghiệp và 1.400 lao động; TP Hồ Chí Minh với 800 doanh nghiệp, 1.600 lao động; tỉnh Đồng Nai với 200 doanh nghiệp và 400 lao động; các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Dương mỗi địa phương 150 doanh nghiệp và 300 lao động…
Bảo mật thông tin
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu điều tra về lao động, tiền lương trong doanh nghiệp năm 2024 bảo đảm thực hiện đúng các nội dung quy định trong phương án điều tra; phạm vi, nội dung điều tra cần đầy đủ, thống nhất và không trùng chéo với các điều tra khác.
Đặc biệt, bảo mật thông tin thu thập từ doanh nghiệp và người lao động theo quy định.
Đơn vị điều tra là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp thuộc diện điều tra được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1/1/2023 và đến thời điểm điều tra vẫn đang hoạt động. Với người lao động, cần đảm bảo yêu cầu có thời gian làm việc từ 1 năm trở lên.
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay
Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, tăng lương thêm 6% từ ngày 1/7/2024, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng lương.
Theo đó, lương tối thiểu vùng 1 tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,45 triệu đồng/tháng.
Lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%, vùng 1 nâng lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng.
Liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng nhận được phản ánh của một doanh nghiệp tại Đồng Nai về việc gặp khó khăn khi áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng mới.
Các doanh nghiệp cho hay, Nghị định tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực ngày 30/6/2024 và áp dụng ngay từ 1/7/2024 khiến công ty xoay sở không kịp để đáp ứng các quy định mới.
Về vấn đề này, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phản hồi rằng, thực tế việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng không phải là nội dung mới, được thực hiện hằng năm.
“Chỉ trừ một số năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế xã hội có khó khăn, việc này bị lùi lại. Do đó, việc triển khai áp dụng việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vẫn triển khai theo đúng quy định”, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương lưu ý.
Khảo sát quý II/2023 của Viện Công nhân Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, mức thu nhập trung bình của lao động Việt Nam khoảng 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu.
Tuy nhiên, tiền chi tiêu cho lương thực, thực phẩm chiếm 70% thu nhập. Mức chi tiêu của lao động đã tăng 19% so với năm 2022 chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng.