Phải chăng thế giới đã lãng quên về mối nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân
79 năm trước, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên hứng chịu nỗi kinh hoàng khi con người sử dụng vũ khí hạt nhân. Hàng trăm ngàn người Nhật trở thành nạn nhân của quả bom nguyên tử mà phi công Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào đầu tháng 8 năm 1945. Kể từ đó, hàng năm ở Nhật Bản đều tổ chức các sự kiện vào đầu tháng 8, trong đó vang lên những lời kêu gọi cấm vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Có những năm người dân tụ tập ở Nhật Bản tin rằng chiến tranh nguyên tử sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Năm nay thì khác. Trong những bài phát biểu ở Nhật Bản người ta nghe thấy nhiều giọng bi quan. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố rằng lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhân loại đang trên đà quay lưng lại với một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Có ý kiến cho rằng tình hình quốc tế hiện nay gây khó khăn cho việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Có khá nhiều lý do chính đáng để cho rằng số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới có thể tăng lên.
Quả thực, ghi nhận xu hướng vi phạm các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ví dụ, ở Hàn Quốc có tâm thế khá mạnh về chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình. Từ lâu đất nước này đã có năng lực kỹ thuật, ngay từ những năm 1970, nhưng Chính phủ và cư dân Hàn Quốc trước đây cho rằng an ninh của họ có thể được đồng minh Hoa Kỳ đảm bảo. Giờ đây, gần như đối mặt với chương trình tên lửa hạt nhân thành công của Triều Tiên, nhiều người ở Hàn Quốc (hơn 73% số người được hỏi ý kiến) cho rằng đất nước họ nên có vũ khí hạt nhân. Ngay cả Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng phát biểu tán thành việc phát triển bom nguyên tử của riêng nước mình.
Còn ở Nhật Bản đã xuất hiện các chính trị gia lên tiếng ủng hộ để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có cơ hội sử dụng vũ khí hạt nhân cùng với quân đội Mỹ.
Khối AUKUS do người Mỹ thành lập đang nỗ lực chuyển sang Australia các nguyên liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân. Mới đây, các đại diện cấp cao của ba nước Australia, Anh và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận về thúc đẩy thành phần hạt nhân, dự trù hỗ trợ Australia trong công việc phát triển công nghệ quân sự mới..
Tất cả những điều đó khiến các cư dân bình thường trên hành tinh phải lo ngại. Kết quả cuộc thăm dò gần đây ở nước láng giềng Trung Quốc chỉ ra là 52% người Trung Quốc e ngại rằng ngay trong những năm gần tới trên thế giới có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Lập trường hòa bình của Việt Nam
Trong bối cảnh đó, có vẻ rất thức thời và đúng lúc là ý kiến mà phái đoàn Việt Nam bày tỏ trong phiên họp thứ hai của Ủy ban trù bị Hội nghị năm 2026 về đánh giá hiệu lực của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, diễn ra tại Geneva vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8. Phát biểu tại phiên họp này, đại diện Việt Nam kêu gọi các nước thành viên của Uỷ ban tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tính phổ quát của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua thực hiện hiệu quả hợp phần giải trừ quân bị. Nhà ngoại giao Việt Nam đã tái khẳng định tầm quan trọng của các thoả thuận quốc tế hữu quan về không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Đề xuất được đặc biệt nhấn mạnh trong bài phát biểu của Việt Nam là Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), kêu gọi các cường quốc hạt nhân ký các nghị định thư của Hiệp ước này. Như đã rõ, Nga sẵn sàng tham gia văn kiện này nếu Hoa Kỳ và các chủ sở hữu vũ khí hạt nhân khác cũng làm thế.
Bài phát biểu của đại diện Việt Nam tại Geneva có thể coi là thể hiện lập trường của các nước vừa và nhỏ không có vũ khí hạt nhân. Đây cũng là đường lối ngoại giao yêu chuộng hòa bình truyền thống của Việt Nam, không ngừng nhận được sự tán thành của cộng đồng quốc tế.
Rõ ràng là trong thế giới đầy biến động, đầy bạo lực và tàn ác hôm nay, cần có những nỗ lực đặc biệt của nhiều quốc gia và nhiều dân tộc để thúc đẩy những tư tưởng này. Và không có cách nào khác. Con đường còn lại dẫn đến sự diệt vong của toàn nhân loại trong ngọn lửa chiến tranh hạt nhân khủng khiếp.