Như đã biết, mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía đông, do Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ làm nhà điều hành. Cá Voi Xanh được cho là mỏ lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Vướng mắc ở dự án Cá Voi Xanh với Exxon Mobil
Bộ Công Thương mới đây đã gửi văn bản UBND tỉnh Quảng Nam về tiến độ triển khai Dự án Phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh.
Như đã biết, tại Dung Quất, Quảng Ngãi, Việt Nam đang thực hiện 3 dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II và III thuộc Trung tâm Điện khí miền Trung.
Trong đó, Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.
Nhà máy Điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) làm chủ đầu tư theo phương thức BOT.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, 3 dự án nhiệt điện khí sử dụng khí của mỏ Cá Voi Xanh của Việt Nam đang gặp một số khó khăn.
Vướng mắc chính của tổ hợp dự án khí điện Cá Voi Xanh là nhà thầu Exxon Mobil không ưu tiên triển khai dự án do tác động của xu thế chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết: “Từ Quy hoạch điện VII đến giờ là quy hoạch điện VIII nhưng giờ xem ra còn rất mờ mịt chỉ bởi một lý do là chủ đầu tư Exxon Mobil tái cơ cấu hoạt động của tập đoàn, không chú trọng vào khai thác mà lại chú trọng vào ngành năng lượng mới. Nhưng quy định của chúng ta trước đó rất khó giải quyết. Gạt ra không được, để lại thì không làm được”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ cho phép triển khai dự án nhà máy nhiệt điện khí.
Tuy vậy, thay vì sử dụng khí hóa lỏng từ mỏ Cá Voi Xanh chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng nhập khẩu.
“Phải phát triển điện khí để đảm bảo năng lượng cho quốc gia. Còn khi nào khai thác được mỏ Cá Voi Xanh thì sẽ chuyển sang sử dụng lại”, - Nhà đầu tư dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm, nếu cần thiết sẽ ký hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu có thời hạn với một số đối tác. Có như vậy, mới có thể thực hiện được mục tiêu của địa phương và cả nước.
Thuyết phục Exxon Mobil
Chuỗi dự án khí điện Cá Voi Xanh có tổng trữ lượng thu hồi dự kiến 248 tỷ m3 khí thô (tương đương 150 tỷ m3 khí hydrocacbon).
Trong giai đoạn bình ổn hàng năm sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ m3 khí thô cho các hộ tiêu thụ điện hạ nguồn. Tổng thu dự kiến của Chính phủ (không bao gồm điện) là trên 20 tỷ USD, tổng nguồn thu PVN/PVEP là trên 7 tỷ USD.
Tiến độ tổng thể của chuỗi dự án được đồng bộ với khâu thượng nguồn với mục tiêu có dòng khí đầu tiên vào năm 2023 theo phê duyệt Kế hoạch đại cương phát triển mỏ. Tuy nhiên, tiến độ chuỗi dự án đã chậm khoảng 5 năm (dự kiến có dòng khí đầu tiên vào năm 2028).
Các bên tham gia gồm Exxon Mobil, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN và Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí, dự án tới tháng 6 vừa qua vẫn chưa cải thiện được tiến độ triển khai.
Những vướng mắc khó khăn của dự án tập trung ở các vấn đề: thủ tục cho thuê đất, nâng cấp cảng Kỳ Hà để phục vụ xuất khí ngưng (condensate) của dự án, tuyến ống đi qua Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.
Theo nhà chức trách, hiện nay, vướng mắc chính là Tập đoàn Exxon Mobil chưa ưu tiên triển khai dự án phát triển mỏ, dẫn tới các công việc rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ của cả chuỗi dự án.
Exxon Mobil đã trình các bên xin phê duyệt chương trình công tác và ngân sách năm 2024 với nội dung công việc và phạm vi ngân sách rất ít (thấp hơn năm 2023).
Khó khăn thứ hai là Exxon Mobil, PVN và chủ đầu tư các nhà máy điện sử dụng khí Cá Voi Xanh chưa triển khai đàm phán hợp đồng bán khí, dù Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí (GSA HOA) đã được ký hồi giữa tháng 5/2023.
PVN đã đề nghị Exxon Mobil sớm trình Kế hoạch phát triển mỏ bản cuối cùng, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh theo đúng hợp đồng dầu khí đã ký.
Trước đó, Exxon Mobil tiếp tục kiến nghị Bộ Tài nguyên và môi trường hỗ trợ, hướng dẫn để sớm hoàn tất thủ tục thuê đất phục vụ dự án.
Vấn đề thứ ba là việc điều chỉnh tuyến ống dẫn khí vẫn chưa có kết quả sau khi PVN, Exxon Mobil làm việc với các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải.
Hồi tháng 8/2023, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Bộ Công thương về phối hợp giải quyết vấn đề này.
Trước đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất phương án lắp đặt tuyến đường ống dẫn khí tại khu vực tiếp giáp hàng rào ranh giới phía Đông của Cảng hàng không quốc tế Chu Lai (chưa có chủ trương chuyển giao đất quốc phòng cho UBND tỉnh Quảng Nam).
Tuy nhiên, PVN và Exxon Mobil cũng đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải bàn giao phần diện tích lắp đặt tuyến ống này về tỉnh Quảng Nam để thuận lợi cho thủ tục thuê đất và vận hành công trình.
Trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên đôn đốc các bên tích cực phối hợp để giải quyết các khó khăn nêu trên, nhằm sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ.
Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã thông qua các kênh ngoại giao để thuyết phục Tập đoàn Exxon Mobil, trong vai trò Người điều hành dự án, sớm đưa dự án vào danh mục ưu tiên triển khai giai đoạn hiện tại.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét hỗ trợ nhà thầu giải quyết dứt điểm một số vấn đề phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Trong đó, gộp lại, vấn đề cần tỉnh giải quyết gồm: phê duyệt phương án quản lý, đầu tư, khai thác Cảng Kỳ Hà để phục vụ xuất khí ngưng; phối hợp Bộ Quốc phòng xử lý vướng mắc về tuyến ống dẫn khí đi qua Cảng hàng không quốc tế Chu Lai; hướng dẫn nhà thầu về thủ tục cho thuê đất để triển khai dự án sau khi kế hoạch phát triển mỏ được phê duyệt.
3 nhà máy điện khí Việt Nam gặp khó
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III.
Mục tiêu đầu tư xây dựng 2 dự án trên nhằm cung cấp nguồn điện ổn định cho hệ thống điện miền Trung và hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn cung cấp điện cho hệ thống, đồng bộ phát triển với Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh.
Quy mô đầu tư xây dựng mỗi nhà máy điện công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp có công suất khoảng 750MW. Cả 2 dự án được triển khai đồng bộ với tiến độ cấp khí của dự án thượng nguồn thuộc Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh.
Trong đó, dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I có tổng mức đầu tư (sơ bộ) là hơn 18.663 tỷ đồng; dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất III tổng mức đầu tư (sơ bộ) hơn 17.538 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của EVN là 20% tổng vốn đầu tư dự án, vốn EVN vay thương mại 80% tổng vốn đầu tư dự án.
Trong khi đó, dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất II, do Sembcorp Utilities Pte Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với công suất 750MW, vốn đầu tư khoảng 793 triệu USD, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh.
Báo cáo từ UBND tỉnh Quảng Ngãi về tình hình triển khai thực hiện dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I và III cho biết, hiện nay đã lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tuy nhiên, hai dự án này chưa thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo vì chưa xác định được thời điểm cấp khí từ mỏ Cá Voi Xanh.
Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp hỗn hợp Dung Quất II, nhà đầu tư đã lập, trình báo cáo nghiên cứu khả thi và đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4345/QĐ-BCT ngày 20/11/2018.
“Hiện nay, nhà đầu tư đang phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các bước tiếp theo đối với dự án, trong đó có việc ký hợp đồng dự án BOT theo quy định”, - UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết.