Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chiếm phần lớn trong số thu này là các khoản thu nội địa 320.500 tỷ đồng (+26%). Trong đó, một số lĩnh vực thu chủ yếu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 54.200 tỷ đồng (+5%); khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21.300 tỷ đồng (+21%) và thuế thu nhập cá nhân đạt 32.400 tỷ đồng (+30%).
Đáng chú ý, khoản thu từ tiền sử dụng đất tại Thủ đô đã tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái đạt 16.800 tỷ đồng; thu lệ phí trước bạ đạt 4.400 tỷ đồng (+20%); thu phí và lệ phí đạt 14.200 tỷ đồng (+24%).
Ngoài khoản thu nội địa, Hà Nội cũng ghi nhận các khoản thu từ dầu thô đạt 2.400 tỷ đồng (+22%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 14.300 tỷ đồng (+10%).
Đứng sau Hà Nội là TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Tại cuộc họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai thông tin tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 308.724 tỷ đồng, đạt 64% dự toán và tăng 14% so với cùng kỳ.
Nếu chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng về thu ngân sách Nhà nước.
Hải Phòng là địa phương xếp thứ 3 về tổng thu ngân sách Nhà nước trong 7 tháng đầu năm nay.
Thông tin mới công bố của Cục Thống kê Hải Phòng cho biết tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố trong tháng 7 ước đạt 8.062 tỷ đồng, trong đó khoản thu nội địa góp 2.472 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu mang về 5.590 tỷ đồng.
Lũy kế 7 tháng, Hải Phòng nộp vào ngân sách Nhà nước 68.875 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước và đạt 65% dự toán mà Hội đồng Nhân dân thành phố giao.
Các khoản thu tăng mạnh nhất trong giai đoạn này của Hải Phòng là khoản thu nội địa với mức tăng 182% đạt 32.334 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 107% so với cùng kỳ đạt 35.597 tỷ đồng.
Xếp sau Hải Phòng lần lượt là các địa phương Bình Dương (40.434 tỷ đồng), Thanh Hóa (33.200 tỷ đồng); Hưng Yên (hơn 26.000 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (16.803 tỷ đồng), Bắc Giang (9.651 tỷ đồng), Ninh Bình (9.150 tỷ đồng).